|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thép Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tăng hơn 50% trong năm 2024

13:51 | 10/02/2025
Chia sẻ
Ngành thép Việt đang đối diện với rủi ro kép từ thuế bổ sung mà ông Trump đưa ra và cuộc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp được khởi xướng từ năm ngoái.

Lượng thép xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh

Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), lượng thép Việt xuất khẩu sang Mỹ trong năm 2024 đạt gần 1,7 triệu tấn, trị giá 1,3 tỷ USD, tăng trên 50% so với năm 2023 xét về cả lượng và kim ngạch. Điều này giúp nâng tỷ trọng xuất khẩu thép của Mỹ lên 13%, tăng từ mức 9,68% của năm 2023 (xét về lượng). 

Hiện Mỹ là thị trường tiêu thụ thép lớn thứ ba của Việt Nam, sau ASEAN và EU. 

 Nguồn: VSA (H.Mĩ tổng hợp)

Nền kinh tế Mỹ ngày nay không còn tập trung vào lĩnh vực sản xuất như trong quá khứ, nhưng mỗi năm vẫn tiêu thụ hàng chục triệu tấn thép. Cho nên, siêu cường số một thế giới vẫn đều đặn nhập khẩu thép mỗi năm.

Thép nhập khẩu thường phục vụ cho các ngành công nghiệp như ô tô, hàng không vũ trụ, dầu mỏ và xây dựng. Thuế quan sẽ làm gia tăng chi phí sản xuất trong các ngành này bởi kim loại nhập khẩu sẽ trở nên đắt đỏ hơn.

Đồng thời, các nhà sản xuất thép Mỹ cũng có khả năng sẽ tăng giá bán khi áp lực cạnh tranh từ các sản phẩm nhập khẩu giá rẻ giảm bớt, tờ CNN chỉ ra. 

Theo số liệu từ Viện Sắt và Thép Mỹ, lượng thép thành phẩm nhập khẩu trong năm 2024 ở mức 22,5 triệu tấn tăng 3,7% so với năm 2023. Con số này tương đương đương 23% thị phần thép thành phẩm của cả nước. 

Nước này nhập khẩu nhiều nhất có mặt hàng phôi thép như phôi thanh (billet), phôi phiến (slab), và phôi bloom với tổng cộng 6,3 triệu tấn. Tuy nhiên, con số này giảm nhẹ 1,6% so với năm 2023. 

Thép mã kẽm nhúng nóng là mặt hàng nhập khẩu lớn thứ hai (khoảng 2,2 triệu tấn), tăng 35% so với năm 2023.

Theo số liệu từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, Canada, Brazil và Mexico là ba nước cung cấp nhiều thép nhất cho Mỹ. Việt Nam là nguồn cung thép xuất khẩu lớn thứ 5 với thị phần 5% trong năm 2024, tăng so với con số 1,6% của một năm trước đó. 

 Nguồn:Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ

Thép Việt đối mặt với loạt rủi ro tại thị trường Mỹ

Hôm 9/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết vào ngày 10/2 (theo giờ địa phương), ông sẽ công bố thuế quan 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu từ mọi quốc gia. Ông không nói rõ khi nào chính sách mới sẽ có hiệu lực.  

Ngoài rủi ro về việc áp lệnh thuế mới của ông Trump, thép Việt Nam còn đang đối mặt với cuộc điều tra chống bán phá giá, trợ cấp được khởi xướng từ năm ngoái. 

Theo đó, ngày 25/9/2024, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) đối với sản phẩm thép chống ăn mòn (thép CORE) nhập khẩu từ Việt Nam.

Trong giai đoạn 2021-2023, Việt Nam xuất khẩu lần lượt 626 triệu USD, 751 triệu USD và 242 triệu USD sản phẩm thép CORE sang Mỹ, đứng thứ ba trong số 10 nước bị điều tra, chỉ sau Canada và Mexico.

Đối với cuộc điều tra chống bán phá giá, DOC sẽ xem xét dữ liệu trong 6 tháng đầu năm 2024. Đối với điều tra chống trợ cấp, thời kỳ điều tra là cả năm 2023.

Thời kỳ điều tra thiệt hại kéo dài trong 3 năm từ 2021 đến 2023. Biên độ phá giá cáo buộc đối với Việt Nam là 195,23%, mức cao nhất trong số các nước bị điều tra. Mỹ coi Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường, do đó DOC dự kiến sẽ sử dụng giá trị thay thế từ Mỹ và Morocco để tính toán biên độ phá giá. Theo đó, Morocco nằm trong danh sách các nước thay thế mới nhất do DOC ban hành cho Việt Nam.

Đánh giá về về tác động của những rủi ro này, trong đổi với chúng tôi, ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc Phân tích cổ phiếu SSI Research nhận định 

"Mỹ chỉ chiếm 13% trong tổng lượng thép xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024. Trong khi đó, theo trao đổi của tôi với một số doanh nghiệp, sau khi Mỹ điều tra chống bán phá giá thép CORE thì họ cũng đã giảm sự phụ thuộc vào thị trường này. Do đó, thị trường nội địa thời gian tới đóng vai trò là động lực tăng trưởng nhiều hơn so với xuất khẩu", ông Châu nhận định. 

Trên thực tế, năm ngoái, lượng thép xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng chững lại do chịu sức ép từ làn sóng hàng giá rẻ của Trung Quốc và làn sóng điều tra, áp thuế chống bán phá giá từ các thị trường xuất khẩu.

Theo số liệu của VSA, năm ngoái, Việt Nam xuất khẩu tổng cộng khoảng 8 triệu tấn thép, tương đương so với năm 2023. Trong khi đó, năm 2023, kênh xuất khẩu được xem là động lực chính cho tiêu thụ thép của Việt Nam khi tăng trưởng gần 29%, bù đắp cho sự sụt giảm của hoạt động bán hàng nội địa.

Do vậy, tỷ trọng doanh số bán hàng thông qua xuất khẩu năm ngoái giảm xuống còn 27%, từ mức 30% của năm 2023. 

"Không chỉ Mỹ, các nước đang ngày có xu hướng áp dụng các biện các biện pháp bảo hộ hơn. Việc ông Trump áp thuế thép cũng không phải là vấn đề quá mới. Trong khi đó, thị trường trong nước có nhiều yếu tố thúc đẩy ở hai nhóm chính là đầu tư công và bất động sản. Chính phủ đang nỗ lực tháo gỡ các vấn đề pháp lý của thị trường bất động sản, bên cạnh việc đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư công như cầu, cảng, sân bay, cao tốc...", ông Châu nói thêm. 

H.Mĩ

CEO REE: 'Khó khăn nhất là quy trình cấp phép, có dự án điện rác ba năm vẫn chưa được thông qua'
Theo bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng Giám đốc REE, ngoài điều kiện về PPA và DPPA, việc khó khăn nhất hiện nay là quy trình cấp phép. Ở địa bàn Trà Vinh và TP HCM, REE có dự án xử lý rác, tận dụng nhiệt để phát điện, nhưng ba năm vẫn chưa thông qua được.