|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ông Trump sẽ công bố thuế quan 25% vào nhôm, thép ngay hôm nay

07:04 | 10/02/2025
Chia sẻ
Tổng thống Mỹ Donald Trump dự định sẽ công bố thuế quan với thép và nhôm nhập khẩu từ mọi quốc gia ngay ngày đầu tuần, đồng thời cảnh báo sắp áp thuế quan đối ứng trong những ngày tiếp theo.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters). 

Hôm 9/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết vào ngày 10/2 (theo giờ địa phương), ông sẽ công bố thuế quan 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu từ mọi quốc gia. Ông không nói rõ khi nào chính sách mới sẽ có hiệu lực. 

Tổng thống Mỹ nói thêm rằng cũng trong tuần này, ông sẽ thông báo thuế quan đối ứng lên những quốc gia đánh thuế hàng nhập khẩu từ Mỹ, có thể vào ngày 11 hoặc 12/2. Thuế quan đối ứng sẽ không có hiệu lực ngay lập tức khi được công bố nhưng cũng rất gần sau đó.

Thuế quan mới đánh vào thép nhập khẩu có thể gây tác động lan tỏa tới mọi doanh nghiệp trong ngành năng lượng Mỹ, từ các nhà phát triển điện gió đến các công ty khoan dầu phụ thuộc vào các loại thép đặc biệt không được sản xuất tại đây.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, một số công ty dầu mỏ đã giành được quyền miễn thuế đối với thép. Tờ Bloomberg cho biết nhiều công ty mua bán nhôm và thép kỳ vọng họ sẽ có thời gian ít nhất là đến tháng 3 để chuẩn bị cho nguy cơ thuế quan.

Vào tuần trước, ông Trump đã quyết dời kế hoạch áp thuế quan vào Mexico và Canada từ đầu tháng 2 sang tháng 3. Không rõ liệu thuế quan đánh vào thép và nhôm vẫn sẽ áp dụng với hai nước này hay không. Cả Mexico và Canada đều là nhà cung cấp lớn hai kim loại này cho Mỹ.

Ngành thép của Mỹ đang tìm cách phục hồi sau năm tồi tệ nhất kể từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Các nhà sản xuất thép nội địa lập luận rằng việc Mỹ tăng nhập khẩu thép trở lại làm tổn thương lợi nhuận và sản lượng của họ.

Thép và nhôm thuộc nhóm những mặt hàng bị đánh thuế quan sớm nhất trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Hồi năm 2018, ông áp thuế 25% lên thép và 10% đối với nhôm với lý do bảo vệ an ninh quốc gia.

Một sự kiện đáng chú ý khác trong ngành thép Mỹ là thương vụ mua lại US Steel trị giá 14,1 tỷ USD của công ty Nhật Bản Nippon Steel. Ông Trump phản đối thương vụ này giống như người tiền nhiệm Joe Biden.

Hôm 7/2, sau cuộc họp với Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba, ông Trump cho biết Nippon Steel đang cân nhắc đầu tư vào US Steel thay vì mua lại hoàn toàn. Khi nói chuyện với các phóng viên vào ngày 9/2, ông Trump khẳng định Nippon Steel không thể nắm cổ phần đa số trong US Steel.

Tham vọng thuế quan của ông Trump lớn đến đâu?

Một câu hỏi quan trọng chưa có lời giải đáp là kế hoạch áp thuế quan nói chung của chủ nhân Nhà Trắng lớn đến đâu. Ông Trump từng cảnh báo sẽ đánh thuế lên nhiều hàng hóa khác, bao gồm dược phẩm, dầu mỏ, chất bán dẫn và cho biết đang cân nhắc áp thuế nhập khẩu lên Liên minh châu Âu.

Tuần trước, ông Trump đã áp thuế quan bổ sung 10% lên hàng hóa Trung Quốc. Bắc Kinh cũng công bố biện pháp trả đũa dự kiến sẽ có hiệu lực trong tháng 2 nhưng có phạm vi hẹp hơn. Theo đó, Trung Quốc chỉ nhắm vào các hàng hóa có kim ngạch nhập khẩu năm 2024 khoảng 14 tỷ USD.

Cách tiếp cận mới của Bắc Kinh cẩn trọng hơn so với trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump. Khi đó, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới từng áp thuế quan “ăn miếng trả miếng” nhau trong suốt vài năm.

Thị trường sẽ theo dõi sát sao liệu hai nước có thể đạt được thỏa thuận trước khi thuế quan Trung Quốc áp lên Mỹ có hiệu lực vào ngày 10/2 hay không. Tuần trước, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt tiết lộ hai nước đang lên kế hoạch để "sớm" tổ chức một cuộc điện đàm giữa ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ông Trump đang sử dụng xen kẽ giọng điệu cứng rắn với Trung Quốc và tín hiệu mong muốn hợp tác với nước này.

Một mặt, ông ra lệnh đánh giá lại thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn một, ngụ ý các cuộc đàm phán thuế quan với Trung Quốc có thể kéo dài.

Mặt khác, ông tìm kiếm sự giúp đỡ của ông Tập trong việc ngừng cuộc chiến tại Ukraine và thúc đẩy Trung Quốc chia quyền sở hữu ứng dụng TikTok với một công ty Mỹ.

Ông Trump từng tuyên bố sẽ đánh thuế quan vào ba đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ là Trung Quốc, Mexico và Canada. Tuy nhiên, Mexico và Canada đã đạt được thỏa thuận tạm hoãn thuế quan với Mỹ sau khi đưa ra cam kết củng cố an ninh biên giới tương đối khiêm tốn.

Điều này củng cố suy đoán của một số chuyên gia rằng Tổng thống Mỹ không sẵn sàng thực hiện hóa các lời đe dọa thuế quan mà thay vào đó thích sử dụng chúng như một công cụ đàm phán.

Giang

CEO REE: 'Khó khăn nhất là quy trình cấp phép, có dự án điện rác ba năm vẫn chưa được thông qua'
Theo bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng Giám đốc REE, ngoài điều kiện về PPA và DPPA, việc khó khăn nhất hiện nay là quy trình cấp phép. Ở địa bàn Trà Vinh và TP HCM, REE có dự án xử lý rác, tận dụng nhiệt để phát điện, nhưng ba năm vẫn chưa thông qua được.