Thị trường thép: Cuộc cạnh tranh giữa các ông lớn
Điều này cho thấy, áp lực cạnh tranh không chỉ đến từ thép nhập khẩu, mà còn đến từ chính DN nếu không định hình được đầu vào (sản xuất) và đầu ra (thị trường).
Thép Trung Quốc ồ ạt đổ bộ
Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), hiện tổng năng lực sản xuất của ngành thép trong nước khoảng 30 triệu tấn/năm (đứng đầu các nước Đông Nam Á), trong khi ngành thép Việt Nam mới hoạt động dưới 70% công suất thiết kế. Đơn cử, đối với thép xây dựng, tổng công suất của các nhà máy đang hoạt động ở mức 12 triệu tấn/năm, nhưng sản lượng tiêu thụ năm 2017 chỉ đạt 9,1 triệu tấn.
Tương tự, nhu cầu thép không gỉ (gồm cả cán nóng và cán nguội) trong nước hiện ở mức 490.000 tấn/năm, nhưng năng lực sản xuất trên 700.000 tấn, khiến các nhà máy sản xuất inox (thép không gỉ) chỉ hoạt động 50-55% công suất thiết kế.
Cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc đã bùng nổ, DN trong nước sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Vì thế, VSA luôn khuyến cáo DN thép Việt Nam không nên tiếp tay cho việc chuyển xuất xứ thép Trung Quốc thành xuất xứ Việt Nam, để xuất sang các nước khác. Ông NGUYỄN VĂN SƯA, Phó Chủ tịch VSA |
Cũng theo VSA, 5 tháng đầu năm nay, các DN thành viên của VSA đã sản xuất hơn 9,67 triệu tấn thép thành phẩm các loại (tăng 24%), và bán hàng đạt 6,69 triệu tấn (bao gồm cả xuất khẩu 1,56 triệu tấn). Dù sản xuất trong nước tăng mạnh, nhưng các DN thương mại cũng đã chi trên 4 tỷ USD để nhập khẩu hơn 5,68 triệu tấn sắt thép các loại (tăng 1,9%).
Trong đó nhập khẩu lớn nhất từ Trung Quốc, với khối lượng chiếm gần 50% với trị giá hơn 1,83 tỷ USD. Đáng nói, trong số đó có những loại sản phẩm DN nội đã sản xuất được, thậm chí dư thừa như thép xây dựng, tôn mạ màu, thép cuộn cán nguội.
Chính vì vậy, dư thừa nguồn cung ngày càng trở nên trầm trọng hơn khi hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do hàng rào tự vệ ở nhiều quốc gia. Hiện ASEAN vẫn là thị trường xuất khẩu chính, chiếm tới hơn 67% tổng lượng thép thành phẩm xuất khẩu. Tiếp đến là các thị trường Hoa Kỳ (11,28%), EU (5,07%), Đài Loan (3,42%), Hàn Quốc (3,15%).
Nguyên nhân khiến lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc gia tăng mạnh, được cho do chính sách cải tổ ngành thép của nước này. Trong kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020, để cải tổ ngành thép, Chính phủ Trung Quốc đưa ra 2 biện pháp chính: tăng tính tập trung của ngành thép thông qua các hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A), với mục tiêu 10 DN thép lớn nhất sẽ nắm giữ 60% thị phần (từ mức 35% năm 2015).
Về phía tổng cầu, Trung Quốc cũng kích cầu tiêu thụ thép thông qua các chính sách, như hỗ trợ thị trường bất động sản với các biện pháp giảm lãi suất cho vay, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giảm tỷ lệ đặt cọc mua nhà và bỏ các quy định ràng buộc người nước ngoài sở hữu bất động sản tại Trung Quốc; giảm thuế tiêu thụ để kích cầu ô tô (chiếm khoảng 8% nhu cầu tiêu thụ thép); tăng chi tiêu đầu tư công (tăng trưởng 20% trong giai đoạn 2016-2017).
Những giải pháp trên đã được Trung Quốc thực thi quyết liệt trong 2 năm trở lại đây và có những kết quả hết sức tích cực. Chẳng hạn, nhu cầu nội địa tăng trưởng tốt, bức tranh ngành thép Trung Quốc đã trở nên sáng sủa hơn; cùng với đó là lợi thế khi ảnh hưởng từ sự dư thừa công suất của quốc gia đối với ngành thép thế giới đã giảm đáng kể.
Tuy nhiên, trong giai đoạn 2014-2016, các nhà máy thép của Trung Quốc vẫn dư thừa công suất, đã khiến DN thép nước này chấp nhận thua lỗ, bán dưới giá thành để đẩy mạnh xuất khẩu. Cạnh tranh không lành mạnh và phá giá của DN Trung Quốc đã ảnh hưởng tới rất nhiều nước lân cận và hàng loạt biện pháp chống bán phá giá được thực thi trong giai đoạn này.
Tính đến nay, thép Trung Quốc đang phải chịu 121 rào cản thương mại như thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và đình chỉ thương mại của nhiều quốc gia, Việt Nam cũng đã áp dụng thuế tự vệ đối với các sản phẩm thép nhập khẩu từ Trung Quốc.
Thanh lọc DN nhỏ
Tác động rõ nét nhất của ngành thép trước sự cạnh tranh từ thép nhập khẩu là mặt hàng tôn màu. Theo số liệu thống kê cuối năm 2017, thị trường tôn màu Việt Nam có quy mô 3,5 triệu tấn/năm, được chiếm lĩnh bởi các DN gồm CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) với 34% thị phần, CTCP Thép Nam Kim (NKG) chiếm 16%, CTCP Tôn Đông Á với 14% thị phần và Công ty Tôn Phương Nam với 7% thị phần.
HPG không dành quá nhiều cho xuất khẩu, vì chỉ cần 1 lệnh áp thuế chống bán phá giá là DN lao đao. Bên cạnh đó, nguyên tắc của HPG là “không bỏ trứng vào 1 giỏ”, tức chọn xuất khẩu sang nhiều thị trường chứ không riêng một thị trường nào. Ông TRẦN ĐÌNH LONG, Chủ tịch HĐQT HPG |
Trong quý I vừa qua, những DN này đã chứng kiến biên lợi nhuận giảm, do giá nguyên liệu đầu vào thép cuộn cán nóng tăng 10%, trong khi giá sản phẩm đầu ra chỉ tăng 1-2%, do phải cạnh tranh hàng Trung Quốc. Không chỉ gặp khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào, các DN thép còn phải đối mặt với sự xuất hiện của 2 ông lớn trong lĩnh vực tôn màu là CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) và Tập đoàn Thép Formosa Hà Tĩnh (FHS).
FHS đã nhận được giấy phép đầu tư nhằm phát triển một trong những tổ hợp thép lớn nhất trên toàn châu Á ở khu vực ven biển Hà Tĩnh. Theo đó, trong giai đoạn 1, khu liên hợp bao gồm các nhà máy thép, cảng Sơn Dương và nhà máy nhiệt điện 650MW, vốn đầu tư 10,5 tỷ USD, có khả năng sản xuất 7,5 triệu tấn thép mỗi năm. Giai đoạn 2, công suất tăng đáng kể lên 22,5 triệu tấn thép.
Sau khi đi vào vận hành, FHS được dự báo sẽ góp phần hoàn thiện chuỗi giá trị thép của Việt Nam và là nhà sản xuất thép cuộn cán nóng duy nhất tại Việt Nam với sản lượng 6 triệu tấn/năm, đáp ứng 100% nhu cầu của thị trường trong nước (năm 2017 Việt Nam nhập khẩu 5,5 triệu tấn thép loại này). Theo số liệu của VSA, FHS đã bán ra thị trường 150.000 tấn thép cuộn cán nóng trong năm 2017 và 107.000 tấn trong quý I-2018.
Ảnh minh họa: L.THANH |
Nhiều dự báo cho rằng, nhờ sự phát triển mạnh mẽ của cơ sở hạ tầng trong nước và thị trường bất động sản, thị trường thép sẽ tăng trưởng 10-15% trong 2-3 năm tới. Tuy nhiên, sự tăng trưởng hữu cơ như vậy không đủ để tránh cuộc chiến giành thị phần trong thị trường tôn mạ với sự tham gia của những ông lớn mới.
Thực tế, các DN như HSG hay NKG đã chủ động phát triển thế mạnh riêng của mình, đa dạng hóa sản phẩm và đẩy mạnh xuất khẩu. Chẳng hạn, HSG đã chủ động mở rộng hệ thống phân phối thông qua các cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc, hay xuất khẩu 37% doanh số bán thép, cùng với việc thâm nhập thị trường ống nhựa để đa dạng hóa danh mục sản phẩm.
Tương tự, NKG xuất khẩu 44% doanh thu thép và lên kế hoạch tham gia thị trường thép tấm cho thiết bị gia dụng. Tuy nhiên, những bước đi được cho là rất căn cơ này cũng không giúp các DN tránh được những tổn thương trong một cuộc chiến mà đối thủ tỏ ra vượt trội.
Chủ động cạnh tranh
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, hiện tình hình tài chính các DN thép Trung Quốc đã khỏe mạnh hơn rất nhiều so với giai đoạn 2014-2016. Giá phôi và thép xây dựng tại Trung Quốc còn đang cao hơn tại thị trường Việt Nam, nhờ chính sách kích cầu tiêu thụ và thắt chặt nguồn cung. Do đó, thuế tự vệ với mục tiêu bảo vệ các DN thép trong nước hiện gần như đã không còn ý nghĩa.
Vấn đề đặt ra khi thuế tự vệ hết hiệu lực, ngành thép Việt Nam có khả năng đương đầu với thép Trung Quốc hay không còn phụ thuộc vào chính sách đầu tư phát triển của DN nhằm gia tăng sức mạnh cạnh tranh. “Trong giai đoạn 2014-2015, Trung Quốc có chính sách xuất khẩu bằng mọi giá nên họ đã dùng các chính sách trợ cấp, hỗ trợ cho hàng xuất khẩu.
Vì thế, giá thép Trung Quốc thấp hơn thép của Việt Nam khoảng 20-30%. Với thực trạng này, chiến lược trước mắt của chúng tôi là phải chinh phục được thị trường trong nước trước khi nghĩ đến xuất khẩu” - lãnh đạo một DN thép chia sẻ.
Thực tế, có không ít DN thép nội đã chủ động nâng cao năng lực nhằm cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm nhập khẩu. Đơn cử HPG, với 2 dây chuyền cán thép thuộc giai đoạn 1 dự án Khu liên hợp thép Dung Quất dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2018. Các nhà máy cán thép đi vào hoạt động giúp HPG tăng doanh thu, đặc biệt giúp tạo lập thị trường cho sản phẩm trước khi nhà máy công nghệ lò cao đi vào hoạt động vào đầu năm 2019, để khép kín hoàn toàn quy trình sản xuất.
Với việc hoàn thành khu liên hợp gang thép Dung Quất vào năm 2020, doanh thu của HPG ít nhất tăng gấp đôi năm 2017, trở thành DN thép xếp thứ 2 Đông Nam Á và lọt vào Top 50 công ty thép lớn nhất của thế giới.
Tương tự, HSG cũng đưa vào sử dụng 2 dây chuyền mạ kẽm mới ở Ninh Bình và Nghệ An, giúp HSG gia tăng tổng công suất lên thêm 36% (đạt 2,2 triệu tấn/năm). Hơn nữa, 2 dây chuyền thép cuộn cán nguội mới sẽ giúp HSG tự cung cấp nguyên liệu đầu vào để sản xuất tôn mạ và công ty cũng mới phát triển mảng ống nhựa, qua đó tạo động lực tăng trưởng trong dài hạn.
Ngoài 2 đại gia trên, các DN có quy mô vừa cũng đã có những nỗ lực nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh. Chẳng hạn, CTCP Ðầu tư thương mại SMC (SMC) đã chuyển dần từ hoạt động thuần thương mại phân phối thép xây dựng sang gia công chế biến. SMC hiện có 5 nhà máy với tổng vốn đầu tư 750 tỷ đồng.
Dây chuyền tẩy mạ thép của SMC đang ở giai đoạn cuối để hoàn thiện và tham gia chuỗi sản xuất, đã góp phần đa dạng hóa nguồn nguyên liệu cũng như cơ cấu sản phẩm. Trong khi đó, hệ thống nhà máy ống thép Sendo tiếp tục được đầu tư mở rộng, gia tăng công suất để đảm bảo chiến lược đến năm 2018 sản xuất 100.000 tấn/năm và lọt vào nhóm 10 nhà sản xuất ống thép lớn nhất.