[Bài 2] Một siêu chu kỳ khác chuẩn bị bắt đầu
Giai đoạn tiếp theo sẽ đòi hỏi rất nhiều đồng để xây dựng lưới điện, trung tâm dữ liệu và nguồn năng lượng tái tạo — cũng như các kim loại như lithium, cobalt và nickel cho pin xe điện, theo Financial Times.
“Chúng ta đang ở giữa các siêu chu kỳ,” Peter Toth, giám đốc chiến lược của Newmont, một công ty khai thác vàng niêm yết tại Mỹ, nói. “Chúng ta đang rời khỏi siêu chu kỳ Trung Quốc và đứng ở rìa của siêu chu kỳ tiếp theo, được thúc đẩy bởi điện khí hóa, chuyển đổi năng lượng và trí tuệ nhân tạo.”
Tuy nhiên, nếu có một đợt bùng nổ hàng hóa mới, nó sẽ diễn ra trong một nền kinh tế toàn cầu rất khác — một nền kinh tế đang bị định hình bởi sự cạnh tranh giữa Bắc Kinh và Washington.
Chu kỳ Trung Quốc là đỉnh cao của kỷ nguyên toàn cầu hóa. Theo đó, Bắc Kinh có thể tiếp cận các thị trường mở để cung cấp nguyên liệu cho nền kinh tế của mình với quặng sắt từ Brazil, đồng từ Cộng hòa Dân chủ Congo và dầu mỏ từ Arab Saudi.
Nhưng nhu cầu trong chu kỳ tiếp theo lại được phân tán hơn về mặt địa lý, với hàng chục quốc gia tranh giành nguyên liệu thô để xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo và điện của riêng mình.
Động lực đó có nghĩa là sự cạnh tranh về tài nguyên khan hiếm sẽ đóng một vai trò lớn hơn nhiều. Các quốc gia phương Tây đã và đang chạy đua để xây dựng chuỗi cung ứng của riêng họ, ngoài tầm kiểm soát của Trung Quốc, cho các nguyên liệu quan trọng như cobalt, lithium và đồng.
Dưới thời chính quyền ông Biden, chính phủ Mỹ đã bắt đầu can thiệp vào một số thỏa thuận khai thác ở châu Phi, nhằm hướng quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên quan trọng này vào tay các công ty đồng minh với Mỹ. Các căng thẳng chính trị xung quanh đợt bùng nổ hàng hóa mới này có thể sẽ còn gay gắt hơn trong nhiệm kỳ mới của ông Donald Trump.
“Thách thức lớn nhất trong tương lai là địa chính trị,” ông Li nói. “Thế giới đang trở nên chia rẽ hơn... Đó là vấn đề cốt lõi.”
Mặc dù các nhà máy thép gặp khó khăn, vẫn có những dấu hiệu lạc quan cho ngành tài nguyên nói chung — đặc biệt là khi nói đến đồng, kim loại trung tâm cho quá trình chuyển đổi năng lượng.
Gần Vũ Hán, tại thị trấn Hoàng Thạch (Huangshi), các nhà sản xuất sản phẩm đồng đang bận rộn hơn bao giờ hết. Hoàng Thạch tự hào có lịch sử lâu đời trong sản xuất đồng — với bằng chứng về khai thác và luyện đồng có từ thời kỳ Đồ Đồng — và ngày nay là nơi đặt trụ sở của một số nhà máy luyện lớn. Trong một chuyến thăm gần đây, một nhà kho thuộc công ty Youhe Copper nhộn nhịp với các xe tải chất đầy cuộn đồng tấm khổng lồ, liên tục đến và đi đến tận tối muộn. “Kinh doanh năm nay tốt,” một nhân viên cho biết.
Bên ngoài Trung Quốc, các công ty khai thác từng làm giàu nhờ bán nguyên liệu phục vụ cơn bùng nổ bất động sản Trung Quốc, hiện cũng đang nhanh chóng chuyển hướng sang mặt hàng mà họ hy vọng sẽ là một đợt bùng nổ mới của đồng. Năm ngoái, BHP đã đưa ra đề nghị mua lại Anglo American trị giá 39 tỷ bảng Anh, chủ yếu để tiếp cận với các tài sản đồng của công ty này. Và Rio Tinto đã chi gần 7 tỷ USD để mua lại một công ty lithium, Arcadium, nhằm tận dụng nhu cầu về pin xe điện.
Khi quá trình chuyển đổi năng lượng đòi hỏi nhiều dây cáp điện, xe điện và các trang trại điện mặt trời và điện gió hơn, nhu cầu tăng lên sẽ rất lớn. Nhu cầu đồng dự kiến sẽ tăng 50% vào năm 2040, và nhu cầu lithium được dự đoán sẽ tăng gấp 7 lần vào thời điểm đó, theo Kịch bản Net Zero của Cơ quan Năng lượng Quốc tế.
“Lý do duy nhất các công ty này đưa ra các chiến lược trên là bởi họ biết rằng nhu cầu quặng sắt của Trung Quốc đã đạt đỉnh, và lĩnh vực mà sắt và thép đã phục vụ — bất động sản — cũng đã đạt đỉnh,” ông Price từ Panmure Liberum cho biết.
Trung Quốc vẫn là nước mua nguyên liệu thô lớn nhất thế giới — và sẽ vẫn là nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới trong nhiều thập kỷ tới. Sự thống trị của Trung Quốc trong các nguyên liệu pin còn lớn hơn nữa: nước này kiểm soát hai phần ba việc chế biến toàn cầu đối với lithium và cobalt.
Các khoáng sản quan trọng cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng thường nhỏ hơn về quy mô so với các mặt hàng đã thúc đẩy sự bùng nổ bất động sản, và có giá trị thấp hơn về dung lượng thị trường.
Và cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang mở rộng ra một vòng tròn rộng lớn hơn các kim loại chuyên dụng. Sau khi Mỹ đưa ra các hạn chế xuất khẩu nhằm vào ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc, nước này gần đây đã hạn chế xuất khẩu gallium và germanium — các kim loại được sử dụng trong các ứng dụng bán dẫn và quốc phòng.
Một số lãnh đạo lo ngại rằng cuộc cạnh tranh về tài nguyên có thể leo thang theo cách nguy hiểm.
“Cá nhân tôi nghĩ rằng cuộc chiến tiếp theo sẽ là cuộc chiến về kim loại,” ông Hugo Schumann, một doanh nhân khai thác mỏ và giám đốc điều hành của công ty đầu tư tái chế EverMetal tại Denver, cho biết. “Trung Quốc có rất nhiều quyền lực, bởi họ đã hợp nhất tất cả các hoạt động sản xuất hạ nguồn của những kim loại này.”
Dù ít người đồng tình với nhận định này, ngày càng có sự công nhận rằng sự cạnh tranh về tài nguyên sẽ định hình kỷ nguyên mới cho ngành hàng hóa.
“Có sự xung đột giữa sự bùng nổ sắp tới của các khoáng sản quan trọng và căng thẳng địa chính trị đang gia tăng ở hầu hết mọi nơi trên thế giới,” ông Thijs Van de Graaf, chuyên gia về năng lượng tại Viện Địa chính trị Brussels, nhận định.
Ông Van de Graaf bổ sung rằng các bình luận gần đây của Donald Trump về Greenland và Canada có ý nghĩa lớn đối với các khoáng sản quan trọng.
Trong khi các công ty khai thác mỏ nhìn thấy cơ hội lạc quan, nhiều lãnh đạo vẫn không khỏi hoài niệm về những năm bùng nổ của Trung Quốc.
“Ở đỉnh cao, siêu chu kỳ của Trung Quốc về quặng sắt là điều tôi chưa từng thấy,” ông Toth nói. “Và điều sẽ không bao giờ xảy ra lần nữa trong sự nghiệp của tôi.”