|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành thép Trung Quốc đối mặt với khủng hoảng khi sản xuất vượt cầu

10:57 | 20/01/2025
Chia sẻ
Trung Quốc vẫn đang sản xuất quá nhiều thép, trong khi nhu cầu yếu khiến ngành công nghiệp nước này rơi vào tình trạng khó khăn.

 

Sản lượng thép giảm nhẹ trong năm 2024 nhưng vẫn duy trì trên 1 tỷ tấn trong năm thứ 5 liên tiếp. Tuy nhiên, sản lượng cần cắt giảm sâu hơn để phù hợp với nhu cầu đang suy yếu do cuộc khủng hoảng kéo dài trong thị trường bất động sản và sự thay đổi cơ cấu của nền kinh tế, theo Bloomberg.

 Sản lượng thép của Trung Quốc từ năm 2015 đến 2024 (Nguồn: Cục Thống kê Trung Quốc, Đơn vị: Triệu tấn)

Sau nhiều thập kỷ tăng trưởng nhờ xây dựng và đầu công, các động lực này đang dần mất đi. Trong khi đó, các lĩnh vực tiêu thụ thép mới cũng tăng trưởng nhưng không đủ để bù đắp sự suy giảm của ngành tiêu dùng thép truyền thống. Chính phủ đang chuyển hướng tập trung vào tăng trưởng xanh, công nghệ cao và tiêu dùng, làm giảm vai trò của thép trong nền kinh tế.

“Điều tồi tệ nhất vẫn chưa qua,” ông John Chen, Trưởng bộ phận kinh doanh hàng hóa khu vực tại Standard Chartered Plc, Singapore, nhận định. “Hầu hết nhà máy thép đều đang thua lỗ.”

Theo công ty nghiên cứu Mysteel, sản lượng thép của Trung Quốc có thể giảm xuống dưới 900 triệu tấn vào năm 2030. Một số dự báo về nhu cầu còn bi quan hơn nữa.

Từ mức hơn 1 tỷ tấn vào năm 2020, tiêu thụ thép tại Trung Quốc có thể giảm xuống dưới 800 triệu tấn vào năm 2030 theo kịch bản cơ sở của Bloomberg Intelligence. Kịch bản tồi tệ nhất cho thấy tiêu thụ có thể giảm xuống còn 525 triệu tấn vào cuối thập kỷ này.

Những dự đoán này đã thúc đẩy nỗ lực hợp nhất ngành, dự kiến sẽ gia tăng trong năm nay khi các nhà máy vật lộn để duy trì dòng tiền và lợi nhuận. Ngành thép đã thua lỗ phần lớn trong năm qua, trong khi tổng nợ của ngành đạt mức kỷ lục 5,1 nghìn tỷ nhân dân tệ (696 tỷ USD) tính đến tháng 11, theo số liệu từ cơ quan thống kê.

Các nhà máy nhỏ, tư nhân, dễ bị tổn thương nhất vì thường tập trung vào thép xây dựng và chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng trong thị trường bất động sản, theo ông Yu Chen, nhà phân tích tại Mysteel.

Trong kỳ báo cáo tài chính gần nhất, các nhà sản xuất thép ghi nhận dòng tiền tự do yếu nhất trong quý III kể từ năm 2015, theo tính toán của Bloomberg dựa trên số liệu từ 59 nhà máy thép niêm yết trên sàn Trung Quốc. Tỷ lệ nợ trên tài sản của các công ty này cũng tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2017.

Mặc dù đóng góp của ngành thép vào nền kinh tế đã giảm qua các năm, giá trị ngành vẫn chiếm 5,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn quốc vào năm 2023, theo ước tính của Gary Ng, nhà kinh tế cấp cao tại Natixis SA, (Hong Kong). Điều này có thể ảnh hưởng đến các mục tiêu tăng trưởng do chính quyền địa phương đặt ra, bao gồm cả tỉnh sản xuất thép lớn nhất là Hà Bắc.

“Nếu ngành thép phải trải qua thêm một “mùa đông khắc nghiệt” nữa, nhiều tỉnh sẽ rơi vào tình cảnh đặc biệt khó khăn,” ông Martina Reber, nhà phân tích tại Frontier Commodities (Thụy Sĩ) cho biết. “Tỉnh Hà Bắc đã cho thấy dấu hiệu căng thẳng đáng kể.”

Tangshan, trung tâm sản xuất thép chính của tỉnh Hà Bắc, là một ví dụ điển hình. Ngành sản xuất thép chiếm một nửa nền kinh tế của thành phố này, nhưng trong 10 tháng đầu năm ngoái, đây là ngành kém hiệu quả nhất của Tangshan với khoản lỗ 3,1 tỷ nhân dân tệ.

Xuất khẩu, vốn giúp hỗ trợ nhu cầu năm ngoái, cũng đang giảm khi các quốc gia nhập khẩu tăng cường các biện pháp chống bán phá giá và áp thuế. Trong nước, nhu cầu gia tăng từ các nhà sản xuất và hãng xe hơi đang góp phần bù đắp sự yếu kém của thị trường nhà ở, nhưng không đủ để lấp đầy khoảng trống.

“Ngành bất động sản cần ổn định trước khi chúng ta có thể thấy nhu cầu hoặc sản lượng thép chạm đáy,” ông Jinshan Xie, nhà phân tích tại Horizon Insights (Thượng Hải), nhận định.

H.Mĩ

WB: Việt Nam sẽ nằm trong top các nền kinh tế tăng trưởng GDP cao nhất toàn cầu năm 2025
Theo ông Andrea Coppola, Chuyên gia Kinh tế trưởng và Quản lý chương trình Tăng trưởng công bằng, Tài chính và Thể chế của WB tại Việt Nam, Lào và Campuchia, với mức tăng GDP 6,6% trong năm 2025 dù thấp hơn mục tiêu đặt ra (ít nhất 8%), song Việt Nam vẫn nằm trong số các nền kinh tế tăng trưởng cao nhất ở Đông Á cũng như toàn cầu.