Vốn ngoại đổ vào bất động sản tăng gần gấp rưỡi
Thông tin này được Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Tài chính cho biết trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I. Theo đó, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam (gồm đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần) đạt gần 11 tỷ USD, tăng hơn 34% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính riêng vốn đăng ký cấp mới, có 850 dự án được cấp phép với hơn 4,3 tỷ USD. Ngành công nghiệp chế biến dẫn đầu về vốn đăng ký với 2,6 tỷ USD, chiếm gần 61%.
Lĩnh vực kinh doanh bất động sản thu hút 1,1 tỷ USD vốn đăng ký mới trong quý đầu năm, chiếm 26% tổng vốn đầu tư. Cộng cả vốn điều chỉnh, các nhà đầu tư ngoại rót gần 2,3 tỷ USD vào bất động sản, tăng 46% so với quý I năm ngoái.
Xét về đối tác, Singapore tiếp tục dẫn đầu với hơn 1,3 tỷ USD, chiếm gần 31% tổng vốn đăng ký cấp mới. Theo sau là Trung Quốc, Đài Loan và Nhật Bản.
Hãng dịch vụ tư vấn bất động sản Avison Young cho biết dòng vốn FDI mạnh mẽ cho thấy sức hút của thị trường bất động sản Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Theo hãng này, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn cho hoạt động hóa đa dạng chuỗi sản xuất và cung ứng nhờ sở hữu nhiều lợi thế như nguồn nhân lực dồi dào, chi phí lao động cạnh tranh, vị trí chiến lược...

Bất động sản khu đông TP HCM. (Ảnh: Quỳnh Trần)
Tương tự, đơn vị nghiên cứu Savills cho rằng tốc độ đô thị hóa mạnh giúp nhà đầu tư ngoại nhìn thấy cầu vượt cung ở hầu hết các phân khúc, như công nghiệp, logistics, nhà ở, văn phòng và bán lẻ.
Savills nhìn nhận quy mô và tổng mức đầu tư của khối ngoại khá đa dạng. Tuy nhiên, các nhà đầu tư thường chú trọng đến dự án phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu thị trường hiện tại để gia tăng chất lượng sản phẩm và trải nghiệm người dùng.
"Pháp lý là tiêu chí ưu tiên hàng đầu của nhà đầu tư nước ngoài do ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ dự án, cấu trúc giao dịch và kế hoạch tài chính của họ", Savills cho biết.
Trước lo ngại dòng vốn ngoại vào bất động sản có thể bị ảnh hưởng khi Mỹ áp thuế đối ứng 46% với Việt Nam, các chuyên gia cho biết một số phân khúc có thể bị tác động trong ngắn hạn như hạ tầng khu công nghiệp, thương mại dịch vụ và nhà ở.
Cùng với đó, các kênh đầu tư ngách như căn hộ dịch vụ, lưu trú du lịch cũng có thể chịu tác động khi nhóm chuyên gia, lao động thu nhập cao từ doanh nghiệp ngoại giảm nhu cầu thuê-mua.
Tuy nhiên, ông David Jackson, Tổng giám đốc Avison Young cho rằng hiện còn quá sớm để đánh giá tác động của sắc thuế trên đến thị trường bất động sản Việt Nam. Ông nói, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu biến động, các nhà đầu tư FDI luôn có kế hoạch dự phòng và tầm nhìn dài hạn. Bài học từ đại dịch Covid-19 giúp doanh nghiệp thận trọng hơn trong quản lý tồn kho và kiểm soát sản lượng nhằm tránh gián đoạn đơn hàng khi chi phí logistics tăng vọt.
Theo ông David, dù có thể gặp biến động ngắn hạn, Việt Nam vẫn duy trì lợi thế và tiềm năng với các nhà đầu tư FDI. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có chiến lược ngoại giao khéo léo, đa dạng hóa đối tác thương mại và có thị trường tiêu dùng hấp dẫn, giúp thu hút các khoản đầu tư lớn từ nhiều quốc gia.
Với các doanh nghiệp địa ốc trong nước, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan khu vực miền Nam, cho rằng họ cần có chiến lược thích ứng linh hoạt và chuẩn bị ứng phó với mọi thay đổi.
Về lâu dài, doanh nghiệp cần sớm tối ưu tài chính, cơ cấu lại dòng sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường, tập trung vào phân khúc ở thực, vừa túi tiền - loại hình ít tác động bởi xu hướng dòng tiền đầu tư.