|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TP HCM lấy ý kiến người dân về sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu

14:14 | 13/04/2025
Chia sẻ
Chính quyền thành phố lấy ý kiến người dân về việc sáp nhập với tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu để lập TP HCM mới, mở rộng không gian phát triển ba địa phương.

Sáng 13/4, nhiều phường ở TP Thủ Đức phát phiếu lấy ý kiến cử tri về sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh. Người dân được hỏi "đồng ý" hay "không đồng ý" về nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của TP HCM, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu để lập TP HCM mới. Người có ý kiến khác ghi vào phiếu.

Phiếu lấy ý kiến cử tri về việc sáp nhập. Ảnh: An Phương

Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho biết các phường trên địa bàn thành phố triển khai lấy ý kiến theo yêu cầu của Sở Nội vụ. Người dân có thể tìm hiểu đề án được đăng tải trên trang thông tin của UBND TP HCM, quận, huyện và niêm yết tại trụ sở UBND xã, phường. Địa phương sẽ tổng hợp ý kiến người dân báo cáo về thành phố.

Theo Sở Nội vụ TP HCM, lấy ý kiến cử tri sáp nhập TP HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu tại địa bàn sẽ triển khai theo từng khu phố, ấp hoặc tổ chức liên khu phố, ấp tùy theo điều kiện địa phương. Thời gian thực hiện từ ngày 12-13/4.

Sau khi lấy ý kiến, UBND cấp xã tổng hợp và lập báo cáo kết quả cử tri trên địa bàn, cấp ủy cùng cấp thống nhất (đối với xã, phường không tổ chức HĐND), trình thông qua HĐND cấp xã ban hành nghị quyết thống nhất chủ trương sáp nhập (xã, phường tổ chức HĐND) và gửi đến UBND cấp huyện (thông qua Phòng Nội vụ). Thời gian thực hiện trong ngày 14/4.

TP HCM rộng hơn 2.095 km2, gần 10 triệu dân, là đô thị xếp loại đặc biệt, gồm TP Thủ Đức, 21 quận, huyện, có 273 phường, xã, thị trấn. Bình Dương rộng hơn 2.694 km², hơn 2,4 triệu người, gồm 4 thành phố, một thị xã và 4 huyện với 45 phường, 5 thị trấn và 41 xã. Bà Rịa - Vũng Tàu rộng hơn 1.982 km2, hơn 1,3 triệu người, với 40 xã, 30 phường và 7 thị trấn thuộc 3 thành phố và 4 huyện. Đây là ba địa phương phát triển kinh tế, xã hội cao ở vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

Trung tâm TP HCM Ảnh: Quỳnh Trần

TP HCM mới sau sắp xếp rộng hơn 6.772 km2 (đạt hơn 135% so với tiêu chuẩn dân số hơn 13,7 triệu người (đạt 979 % so với tiêu chuẩn), 190 đơn vị hành chính trực thuộc, hình thành siêu đô thị mới của vùng Đông Nam Bộ. Trung tâm hành chính - chính trị ở 86 Lê Thánh Tôn (quận 1, TP HCM), cơ sở 2 ở Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương, đường Lê Lợi, TP Thủ Dầu Một và cơ sở 3 ở Trung tâm hành chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, số 1 đường Phạm Văn Đồng, TP Bà Rịa.

Sau khi sáp nhập, TP HCM mới sẽ thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm theo mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, tạo bước đột phá, lan tỏa trong phát triển kinh tế vùng, liên vùng được Bộ Chính trị giao tại Nghị quyết số 24.

Tại hội nghị Trung ương 11 khóa 13 bế mạc hôm 12/4, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất giảm số đơn vị hành chính cấp tỉnh trên cả nước từ 63 xuống 34, trong đó có 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Một số phương án sáp nhập đang được nghiên cứu như Đà Nẵng và Quảng Nam; Bắc Giang và Bắc Ninh; Hải Phòng và Hải Dương; Lào Cai và Yên Bái; Quảng Ngãi và Kon Tum...

Lê Tuyết

CEO HMC: Doanh nghiệp thép trong nước có nguy cơ cạn kiệt tài chính trước áp lực thép rẻ Trung Quốc
Lãnh đạo HMC đã nêu những yếu tố tác động đến thị trường, đặc biệt là chính sách thương mại của Mỹ, sức ép từ thép giá rẻ Trung Quốc và triển vọng tiêu thụ nội địa trong bối cảnh đầu tư công được đẩy mạnh.