Doanh nghiệp hồ tiêu lo mất thị phần tại Mỹ vì thuế đối ứng
Mức thuế Việt Nam cao nhất trong số các đối thủ
Mỹ là một trong những nơi tiêu thụ nhiều hồ tiêu nhất của Việt Nam. Do đó, việc tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế đối ứng lên tới 46% ảnh hưởng lớn đến ngành này.
Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu gia vị của Việt Nam đạt hơn 1,7 tỷ USD, tăng trưởng 32% so với năm 2023, theo số liệu từ Hải quan Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 472 triệu USD, chiếm 29% tổng kim ngạch toàn ngành, vượt cả thị phần EU.
Xét về khối lượng, Việt Nam xuất khẩu gần 72.000 tấn hồ tiêu sang Mỹ vào năm ngoái, tăng 34% so với năm 2023. Tuy nhiên, quý I năm nay có sự điều chỉnh với lượng hàng xuất khẩu đạt hơn 11.000 tấn, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn: Hải quan Việt Nam, VPSA (H.Mĩ tổng hợp)
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Việt Anh, Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu - Cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết một số đơn hàng đã bị đối tác đề nghị tạm ngưng và họ cũng đang chờ diễn biến tiếp theo của việc áp thuế. Ông cho biết hiện chủ tịch của VPSA đang có chuyến công tác tại Mỹ và nhân dịp này sẽ đàm phán với các đối tác để giải quyết một số vấn đề liên quan.
Ông Phùng Văn Sâm - Ủy viên BCH Hiệp hội VPSA cho biết doanh nghiệp xuất khẩu tiêu của Việt Nam có khả năng mất thanh khoản ngắn hạn, hàng tồn kho tăng cao, thu mua nguyên liệu bị ngưng trệ. Bên cạnh đó, đối thủ Brazil – dù gặp vấn đề về an toàn thực phẩm (Salmonella) – vẫn đang được hưởng thuế ưu đãi 10%, và đang tranh thủ chiếm lĩnh thị phần của Việt Nam.
Do đó, ông cho rằng nếu tình hình không được giải quyết kịp thời, Việt Nam đứng trước nguy cơ mất thị phần tại Mỹ đồng thời kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành trong năm 2025 có thể giảm, kéo theo diện tích canh tác vùng nguyên liệu cũng có thể giảm theo.
Hiện tại, mức thuế đối ứng mà Mỹ áp dụng đối với Việt Nam cao hơn nhiều so với những đối thủ như Brazil (10%), Indonesia (32%), Ấn Độ (26%).
Giá tiêu nguyên liệu khu vực Tây Nguyên hiện đang giao dịch ở mức 155.000 đồng/kg, giảm khoảng 5.000 đồng/kg so với thời điểm trước khi Mỹ công bố lệnh thuế đối ứng. Ông Việt Anh cho biết một số thương lái bắt đầu bán ra do lo ngại lệnh thuế. Tuy nhiên, cũng có trường hợp thương lái nhân chuyện này hô hào người dân bán giá rẻ để ôm hàng.
“Do đó, chính phủ cũng cần có biện pháp truyền thông để bà con yên tâm”, ông Việt Anh nói.
Kiến nghị đàm phán giữ nguyên mức thuế xuất khẩu tiêu sang Mỹ
Trước tình hình hiện nay, tại cuộc họp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường diễn ra hôm 7/4, VPSA đề xuất Bộ phối hợp cùng với các Bộ liên quan như Công Thương, Tài chính, Ngoại giao tham mưu Chính phủ đàm phán với Mỹ giữ nguyên mức thuế hiện tại (tức 0%). Nếu điều chỉnh thì mức thuế đề xuất là 10% như Brazil hoặc tương đương với các nước ASEAN có điều kiện tương tự.
Một điểm tích cực trong đàm phán ngành hồ tiêu là thị phần của tiêu Việt Nam ở Mỹ chiếm áp đảo. Theo số liệu từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) thị phần hồ tiêu của Việt Nam tại Mỹ lên tới 77%.

Nguồn: ITC (H.Mĩ tổng hợp)
Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia có sản lượng tiêu lớn nhất trong bối cảnh nguồn cung của cả thế giới đang có xu hướng giảm.
Theo số liệu của Tổ chức Hồ tiêu Quốc tế (IPC), sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm 2024 giảm 4% xuống558.000 tấn. Trong đó, nguồn cung từ Việt Nam chiếm lớn nhất với 170.000 tấn, tương 30%.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết nông sản Việt Nam là mặt hàng thiết yếu, chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh. Một vài mặt hàng của Việt Nam tại Mỹ không có nhiều lựa chọn thay thế, trong đó có hồ tiêu. Do đó, ông cho rằng đây là một trong những lợi thế khi ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ.
Bên cạnh việc đàm phán thuế, VPSA đề xuất hỗ trợ tín dụng và chi phí vận hành. Ngân hàng là nhân tố quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất trong giai đoạn biến động thuế và tạm ngưng đơn hàng. Hiện nay, lãi suất vay vốn vẫn đang ở mức cao, trong khi doanh nghiệp ngành gia vị chủ yếu là vừa và nhỏ, cần vốn lưu động lớn để duy trì thu mua, chế biến, vận hành.
Do đó, hiệp hội kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất với Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng cân nhắc chính sách lãi suất ưu đãi riêng cho ngành hàng nông sản xuất khẩu. Hỗ trợ triển khai các gói tín dụng tạm trữ, bảo hiểm rủi ro đơn hàng bị hoãn, giãn hợp đồng.
Về logistics, chi phí logistics nội địa, đặc biệt đường bộ và container lạnh hiện đang cao nhất khu vực ASEAN, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức cạnh tranh giá xuất khẩu. Do đó, VPSA đề nghị Bộ Giao Thông Vận tải và các bộ ngành liên quan quan miễn, giảm chi phí lưu kho, phí hạ tầng cảng biển. Hỗ trợ cước vận tải nội địa trong thời gian doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi yếu tố chính trị quốc tế.