9 doanh nghiệp mất hơn 1 tỷ USD vốn hóa trên sàn
Kết thúc ngày 8/4, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến phiên giảm mạnh thứ ba trong lịch sử khi VN-Index giảm gần 78 điểm xuống sát 1.130 điểm, tương ứng mức 6,43%. Thanh khoản trên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đạt 25.300 tỷ đồng, giảm sâu so với mức hơn 40.000 tỷ đồng của hai phiên trước đó.
Chỉ trong ba phiên gần nhất, VN-Index đã giảm hơn 185 điểm. Vốn hóa toàn thị trường cũng "mất" hơn 1 triệu tỷ đồng (khoảng 40 tỷ USD) kể từ ngày 3/4, còn 6,3 triệu tỷ đồng.
Theo thống kê của VnExpress, tổng cộng 23 doanh nghiệp ghi nhận vốn hóa giảm hơn 10.000 tỷ đồng, trong đó, 9 công ty giảm trên 1 tỷ USD (hơn 25.500 tỷ đồng). Thị trường chứng khoán chỉ còn 15 doanh nghiệp có vốn hóa trên 100.000 tỷ đồng trong khi thông thường, có khoảng 20 công ty như vậy.
Trong đó, Vietcombank (mã chứng khoán: VCB) có vốn hóa giảm mạnh nhất, ở mức hơn 74.000 tỷ đồng, tương ứng gần 14%. Ngân hàng này vẫn là đơn vị giá trị nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam với vốn hóa đạt 467.100 tỷ đồng. Doanh nghiệp có vốn hóa giảm mạnh thứ hai là Viettel Global với mức hơn 46.000 tỷ đồng, tương đương 18,5%.
Ngoài Vietcombank và Viettel Global, những công ty còn lại có vốn hóa giảm trên 25.000 tỷ đồng (1 tỷ USD) còn BIDV, Vietinbank, ACV, Techcombank, Hòa Phát, PV Gas và Masan Consumers.
Theo ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, Phó giám đốc Chiến lược đầu tư, Trung tâm phân tích của Chứng khoán Thiên Việt (TVS), VN-Index giảm sâu trong ba phiên giao dịch gần nhất chủ yếu do áp lực đến từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ. Mỹ dự kiến áp dụng mức thuế đối ứng 46% với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào nước này.
"Nếu mức thuế Mỹ áp cho Việt Nam không thay đổi nhiều so với đề xuất ban đầu, điều này sẽ ảnh hưởng tới giá trị xuất khẩu của Việt Nam, xu hướng của dòng vốn FDI cũng như tăng trưởng kinh tế của nước ta trong năm 2025", ông Tâm bình luận.
Còn bà Đỗ Minh Trang, Giám đốc Trung tâm phân tích, công ty Chứng khoán ACBS, cho rằng tâm lý nhà đầu tư trong nước bị tác động mạnh bởi diễn biến kém khả quan của thị trường chứng khoán châu Á và Mỹ trong phiên hôm qua.
Nhận định về những biến động của thị trường trong ngắn hạn, ông Nguyễn Trọng Đình Tâm cho rằng điều nhà đầu tư nên quan tâm là kết quả từ chính sách đàm phán của Việt Nam với Mỹ cũng như mức thuế đối ứng chính thức được áp dụng từ ngày 9/4.
"Hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam phản ánh kịch bản hàng xuất khẩu sẽ đối mặt với mức thuế 46% từ Mỹ. Do đó, bất cứ thông tin nào theo hướng giãn, hoãn thời gian áp dụng thuế đối ứng hoặc giảm thuế suất xuống sẽ kéo theo khả năng hồi phục trong ngắn hạn của thị trường", ông Tâm nói.
Ngoài những chính sách thuế quan mới của ông Donald Trump, chuyên gia ACBS nhận định những động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng là điều đáng lưu tâm."Nếu nguy cơ suy thoái và giảm phát khiến Fed tự tin cắt giảm lãi suất sớm hơn và nhiều hơn, đó sẽ là liều thuốc xoa dịu đối với thị trường chứng khoán", bà Trang nói.
Chuyên gia này nhấn mạnh "rất khó để dự đoán đúng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ sớm hồi phục hay tiếp tục điều chỉnh", bởi kinh tế vĩ mô đang có nhiều biến số khó lường. Trong kịch bản kém khả quan là Tổng thống Trump không gia hạn thời gian áp thuế, VN-Index có thể tiếp tục điều chỉnh, nhưng không quá sâu.
Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM được kỳ vọng sớm tìm lại điểm cân bằng ở vùng định giá hấp dẫn. Các ngưỡng hỗ trợ quan trọng trong thời gian tới bao gồm 1.160, 1.130 và 1.080 điểm.
Trước khi các thông tin quan trọng về thuế đối ứng được công bố, ông Nguyễn Trọng Đình Tâm cho rằng danh mục của nhà đầu tư nên được quản trị chặt chẽ. Cụ thể, nhà đầu tư chưa nên sử dụng margin, nếu giải ngân chỉ mang tính chất thăm dò với tỷ trọng thấp, đồng thời ưu tiên các cổ phiếu của các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh mang tính nội địa cao.