Kỳ vọng sự bứt phá của thị trường trái phiếu xanh
Theo ông Nguyễn Tùng Anh, Giám đốc Nghiên cứu Tín dụng và Dịch vụ tài chính xanh của FiinRatings, thị trường trái phiếu xanh, xã hội và bền vững Việt Nam năm 2025 được dự báo sẽ có nhiều chuyển biến tích cực đến từ hai động lực chính là khung pháp lý hoàn thiện cùng với nhu cầu từ phía nhà đầu tư.
Huy động hàng ngàn tỷ đồng cho các dự án xanh
Sau giai đoạn trầm lắng, thị trường trái phiếu xanh Việt Nam bất ngờ ghi nhận sôi động trở lại với các đợt phát hành đến từ cả nhóm tài chính và phi tài chính trong năm 2024, đặc biệt là kể từ quý IV/2024.
Đây được xem là nguồn lực quan trọng góp phần thực hiện các mục tiêu bao trùm của Việt Nam về phát triển bền vững cũng như hướng đến mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Ngay đầu năm 2025, Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank) thông báo phát hành thành công 3.000 tỷ đồng trái phiếu xanh, dựa trên việc tuân thủ tự nguyện nguyên tắc phát hành của Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (ICMA) và Hiệp hội Thị trường tín dụng (LMA).
Theo ngân hàng này, nguồn vốn huy động từ trái phiếu xanh sẽ được cho vay các dự án đáp ứng được các tiêu chuẩn trong "Khung tài chính bền vững" của HDBank, nhằm góp phần bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế xanh.
Trước đó, HDBank cũng đã trở thành một trong những ngân hàng đầu tiên của Việt Nam công bố “Khung tài chính bền vững” phù hợp với các tiêu chuẩn của ICMA và LMA, được phát triển với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC).
Ông Phạm Quốc Thanh, Tổng Giám đốc HDBank cho biết, việc công bố Khung tài chính bền vững và tiên phong phát hành trái phiếu xanh tại Việt Nam là minh chứng rõ nét cho cam kết của HDBank trong chiến lược phát triển bền vững.
Điều này không chỉ tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng xanh mà còn huy động nguồn vốn trung và dài hạn từ trái phiếu xanh để hỗ trợ các dự án mang lại lợi ích môi trường, giảm phát thải CO2 và đồng hành cùng Chính phủ trong mục tiêu đạt trung hòa carbon vào năm 2050.
Không chỉ riêng HDBank, tháng 11/2024, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng thông báo phát hành thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu xanh để cho vay các dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường và dự án mang lại lợi ích về môi trường.
Lãnh đạo ngân hàng này cho biết, nhu cầu đầu tư vào các dự án thân thiện với môi trường ngày càng tăng, và trái phiếu xanh là công cụ hiệu quả để huy động vốn nhằm hỗ trợ những dự án này với chi phí vốn hợp lý.
Nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu xanh sẽ được Vietcombank giải ngân cho các dự án thuộc 7 lĩnh vực gồm năng lượng tái tạo, giao thông bền vững, quản lý nước, công trình xanh, quản lý chất thải, nông – lâm – thủy sản bền vững và năng lượng hiệu quả.
Vào tháng 9/2024, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là tổ chức đầu tiên ở Việt Nam phát hành thành công trái phiếu bền vững tại thị trường trong nước, khi phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu tự nguyện tuân thủ theo hướng dẫn trái phiếu bền vững của ICMA.
Theo BIDV, nguồn vốn này sẽ được ngân hàng sử dụng để cho vay các dự án mang lại tác động tích cực cho môi trường và xã hội. Năm 2023, BIDV cũng là ngân hàng thương mại Việt Nam đầu tiên phát hành thành công 2.500 tỷ đồng trái phiếu xanh.
Đáng chú ý, ở nhóm phi tài chính cũng ghi nhận 2 đợt phát hành từ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy sản và nước sạch. Sự chuyển dịch tích cực này phản ánh xu hướng "xanh hóa" đang lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Cụ thể, trong tháng 11/2024, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I đã phát hành thành công lô trái phiếu xanh có giá trị 1.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 40 triệu USD) nhằm tài trợ cho các dự án thúc đẩy nuôi trồng và sản xuất cá tra bền vững, thân thiện với môi trường.
Cũng trong thời gian này, Công ty TNHH Nước sạch Hòa Bình – Xuân Mai đã huy động thành công hơn 875 tỷ đồng trái phiếu xanh. Đáng chú ý, kỳ hạn của lô trái phiếu này lên đến 20 năm, mức dài nhất từ trước đến nay đối với doanh nghiệp phi tài chính, đáp ứng nhu cầu vốn dài hạn cho việc đầu tư hạ tầng.
Kỳ vọng sự bứt phá mới
Thống kê của Tổ chức xếp hạng tín nhiệm FiinRatings cho thấy, trong giai đoạn 2016-2024, tổng giá trị phát hành trái phiếu xanh, xã hội và bền vững của Việt Nam đã đạt gần 33.500 tỷ đồng (hơn 1,4 tỷ USD).
Riêng năm 2024, thị trường ghi nhận sự sôi động trở lại với 4 lô trái phiếu xanh và bền vững phát hành mới. Tổng giá trị phát hành gần 6.900 tỷ đồng, chiếm 1,5% tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới từ đầu năm.
So với các quốc gia trong khu vực ASEAN, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp bền vững của Việt Nam còn khá khiêm tốn, tuy nhiên với tốc độ tăng trưởng ấn tượng 171% trong năm 2024 cho thấy tiềm năng to lớn của thị trường này.
Các chuyên gia của FiinRatings cho rằng, dù chưa có nhiều cơ chế và hướng dẫn cụ thể, song sự sôi động của thị trường công cụ tài chính xanh phần nhiều đến từ sự tự nguyện của bản thân doanh nghiệp, đóng góp vào quá trình định hướng chuyển đổi xanh chung của quốc gia.
Những năm trở lại đây, các doanh nghiệp đang dần chủ động xây dựng khung tài chính xanh/khung trái phiếu xanh và thực hiện đánh giá độc lập trước phát hành theo tiêu chuẩn quốc tế của CBI và ICMA.
Về cơ sở pháp lý, ông Nguyễn Tùng Anh cho rằng, năm 2025 sẽ mở ra một thời kỳ sôi động hơn nữa của công cụ trái phiếu xanh, xã hội và bền vững khi những ưu đãi, khuyến khích ngày một rõ ràng và các doanh nghiệp rút được nhiều kinh nghiệm từ các tổ chức phát hành trước đó.
Trong số đó, phải kể đến việc triển khai Khung phân loại xanh quốc gia, tạo tiền đề và hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp và làm cơ sở so sánh cho các thành viên thị trường. Khung này sẽ tạo nền tảng cho sự phát triển đồng bộ của thị trường, phù hợp với đặc thù trong nước và hài hòa với thông lệ quốc tế.
Một số chính sách nổi bật khác có thể kể đến các ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các giao dịch liên quan đến chuyển nhượng trái phiếu xanh hay ưu đãi giảm 50% giá dịch vụ chứng khoán đối với chủ thể phát hành và nhà đầu tư trái phiếu xanh.
Mặt khác, các nhà đầu tư đang ngày càng chú trọng đến tính bền vững và trách nhiệm xã hội trong các quyết định đầu tư. Điều này dẫn đến nhu cầu gia tăng đối với trái phiếu xanh, vì mang lại lợi nhuận và góp phần vào các mục tiêu bảo vệ môi trường.
FiinRatings nhận định, trong tương lai, thị trường trái phiếu xanh dự kiến sẽ chứng kiến sự ra đời của các sản phẩm mới như trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu liên kết bền vững, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh.
Các định chế đầu tư chuyên nghiệp, đặc biệt là các công ty bảo hiểm và quỹ đầu tư, được kỳ vọng sẽ tăng cường đầu tư vào trái phiếu xanh, góp phần thúc đẩy thanh khoản và chiều sâu của thị trường.
Tuy vậy, các chuyên gia tài chính cho rằng, thị trường trái phiếu xanh Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển, với một số thách thức cần giải quyết, nhất là về khung thể chế, pháp lý; cải thiện minh bạch thông tin…
Theo chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực, để thúc đẩy tốc độ chảy của dòng vốn xanh, Việt Nam cần có một chiến lược tổng thể để phát triển thị trường tài chính xanh một cách hài hòa, hiệu quả giữa các kênh dẫn vốn, gắn với các định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.
Theo đó, Việt Nam cần gắn kết các chiến lược, kế hoạch phát triển xanh và tài chính xanh với quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; ban hành và áp dụng tiêu chí, tiêu chuẩn môi trường đối với ngành, nghề, lĩnh vực cụ thể, xác định lĩnh vực ưu tiên; có cơ chế, phương thức đánh giá tác động môi trường; có sự hỗ trợ tài chính (thuế, phí, lãi suất...) cho các sản phẩm, dịch vụ, tiêu dùng xanh; đồng thời có chính sách thu hút nguồn lực tư nhân tham gia đầu tư xanh…