Lợi nhuận doanh nghiệp sở hữu mỏ đất hiếm lớn nhất Việt Nam vượt nghìn tỷ
Tổng Công ty Khoáng sản TKV - CTCP (Vimico - Mã: KSV) là đơn vị thành viên do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) nắm hơn 98% vốn.
KSV chính thức chuyển đổi mô hình từ Công ty TNHH sang công ty cổ phần từ tháng 10/2015 với quy mô vốn điều lệ thực góp là 2.000 tỷ. Từ đó tới nay, tổng công ty chưa thực hiện tăng vốn.
Giữa năm 2016, KSV bắt đầu giao dịch trên sàn UPCoM và chính thức niêm yết HNX vào cuối năm 2022.
KSV hoạt động chính trong lĩnh vực khai khoáng với các sản phẩm chính gồm đồng tấm, vàng, bạc, kẽm thỏi, thiếc thỏi, quặng, gang đúc, phôi thép,... Ngoài ra, công ty còn có sản phẩm axit sunfuric là phụ phẩm trong quá trình luyện đồng.
Thông tin từ bản cáo bạch 2022 của KSV cho biết doanh nghiệp và các công ty con hiện đang sở hữu các mỏ đồng Sin Quyền, Vi kẽm tại Bát xát, Lào Cai; mô Kẽm Chì Chợ Điền (Bắc Kạn), mỏ Chì Lang Hít và mỏ Cúc Đường (Thái Nguyên); mỏ sắt Nà Rụa, Cao Bằng,... Trong đó Sin Quyền là mỏ đồng lớn nhất Việt Nam.
Đây là các mỏ có trữ lượng tài nguyên lớn, với thời gian khai thác các mỏ quặng lớn còn khá dài, chẳng hạn các mỏ đồng (sản phẩm chủ lực) vẫn còn thời hạn trong 10 - 20 năm, mỏ kẽm còn hơn 10 năm, các mỏ thiếc, sắt, vàng, đất hiểm có những mỏ thời hạn còn trên 20 năm.
Ngoài ra, KSV còn đang là chủ đầu tư dự án khai thác chế biến quặng đất hiếm Đông Pao - mỏ đất hiếm có trữ lượng lớn nhất cả nước. Mỏ có diện tích gần 133 ha tại tỉnh Lai Châu, với tổng trữ lượng địa chất quy khô trên 11,3 triệu tấn, chiếm hơn một nửa trữ lượng đất hiếm của cả nước.
Lãi kỷ lục năm 2024
Về tình hình kinh doanh, quý IV/2024, KSV đạt 3.636 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ gấp gần 9,5 lần cùng kỳ lên 422 tỷ.
Cả năm 2024, doanh thu thuần của KSV đạt 13.251 tỷ, tăng 11% so với năm 2023. Công ty khai khoáng này lần đầu tiên báo lãi ròng hơn nghìn tỷ một năm, ghi nhận 1.229 tỷ, gấp 7,5 lần cùng kỳ. EPS cả năm là 6.145 đồng.
Giải trình về con số lợi nhuận đột biến, KSV cho hay trong năm qua, giá bán bình quân các sản phẩm chính của đều tăng cao so với cùng kỳ. Cụ thể, giá bán đồng tấm là 230 triệu/tấn, tăng 32 triệu/tấn; giá bán vàng tăng 449 triệu đồng/kg lên 1,797 tỷ/kg; giá bán bạc là 17,9 triệu/kg, tăng 4 triệu/kg và giá bán tinh quặng manhetit là 1,6 triệu/tấn, tăng 0,5 triệu/tấn.
Năm ngoái, sản lượng đồng tấm sản xuất của KSV đạt trên 30.000 tấn, sản xuất trên 141.000 tấn axit sunfuric, kẽm thỏi trên 9.100 tấn.
Biên lợi nhuận gộp năm qua lên tới 19%, tăng mạnh so với con số 9,7% của năm 2023.
Tính tới cuối năm ngoái, quy mô tài sản của KSV là 9.551 tỷ đồng. Công ty sở hữu khoảng 467 tỷ tiền, tiền gửi ngân hàng.
Ngoài tài sản cố định thì khoản mục lớn thứ hai trong cơ cấu tài sản của công ty nằm ở hàng tồn kho, ghi nhận 2.826 tỷ đồng.
Công ty vay nợ khoảng 3.429 tỷ đồng, chiếm 36% tổng nguồn vốn, trong đó có hơn 1.240 tỷ vay dài hạn. Vốn chủ sở hữu cuối kỳ là 3.949 tỷ đồng bao gồm 1.318 tỷ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Không chỉ báo lãi kỷ lục mà cổ phiếu KSV của công ty đã tăng gấp 3,3 lần chỉ từ đầu tháng 12/2024 tới nay. Cổ phiếu KSV lập đỉnh lịch sử vào ngày 21/1 khi kết thúc phiên ở 168.500 đồng/cp và điều chỉnh về mốc 160.000 đồng/cp trong phiên cuối cùng (24/1) của năm Giáp Thìn.
Vốn hoá thị trường của KSV chính thức gia nhập câu lạc bộ tỷ USD với 32.000 tỷ đồng.