|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành thép cần làm gì để đối phó với kiện chống bán phá giá?

17:17 | 30/08/2018
Chia sẻ
Doanh nghiệp thép cần đa dạng hoá thị trường, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới và nghiên cứu kỹ khi có ý định khi mở rộng công suất.

85% vụ điều tra khởi kiện liên quan đến ngành thép

Tại hội thảo “Thực trạng và thách thức của ngành thép Việt Nam trong bối cảnh các nước gia tăng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại”, ông Lương Kim Thành - Cục Phòng vệ thương mại cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, có 128 vụ việc phòng vệ thương mại được khởi xướng điều tra bởi 17 quốc gia và vùng lãnh thổ đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.

Dẫn đầu là các vụ việc điều tra chống bán phá giá với 77 vụ việc, thứ hai là các vụ việc tự vệ (23 vụ), tiếp theo là các vụ việc chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá (17 vụ việc) cuối cùng là các vụ việc chống trợ cấp (11 vụ việc).

Theo ông Thành, trong 128 vụ điều tra, khởi kiện thì có tới đến 85% liên quan đến ngành thép. Tổng cộng có 11 thị trường đã khởi kiện Việt Nam như Mỹ, EU, Liên minh Kinh tế Á Âu. Riêng khu vực châu Á hiện chỉ có Đài Loan và Hàn Quốc chưa khởi kiện.

nganh thep can lam gi de doi pho voi kien chong ban pha gia

Ngành thép cần làm gì để đối phó với kiện chống bán phá giá?

Ông Thành cho biết, năng lực ứng phó với các vụ điều tra khởi kiện của các doanh nghiệp trong nước còn yếu so với đối thủ nước ngoài.

Doanh nghiệp Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm kháng kiện nên gặp khó khăn trong việc xác định chiến lược, định hướng khi vướng phải các vụ kiện phòng vệ thương mại.

Bên cạnh đó, năng lực tài chính của doanh nghiệp Việt còn hạn chế, trong khi chi phí kháng kiện rất cao, để thành công có thể cần phải thuê luật sư tư vấn từ chính nước khởi xướng điều tra.

Nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu của cơ quan điều tra trong việc cung cấp tài liệu, số liệu và hệ thống lưu giữ tài liệu.

Ông Thành cho rằng, để hạn chế thấp nhất việc bị khởi kiện phòng vệ thương mại khi tham gia vào các vụ kiện, các doanh nghiệp nên tự bảo vệ mình bằng cách trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên thường xuyên có hoạt động trao đổi thông tin với hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước, nhằm nắm bắt được những thông tin cảnh báo sớm về khả năng bị khởi kiện tại thị trường xuất khẩu, từ đó lên phương án điều chỉnh hoạt động kinh doanh để tránh bị khởi kiện.

Để tạo điều kiện thuận lợi trong việc tham gia các vụ kiện phòng vệ thương mại, doanh nghiệp Việt Nam cần phải củng cố quan hệ với các bạn hàng, đối tác bên phía nước ngoài vì nhóm những đối tác này cũng là một bên có lợi ích bị ảnh hưởng bởi vụ việc điều tra phòng vệ thương mại.

Mặt khác, doanh nghiệp cần đa dạng hoá thị trường, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới và nghiên cứu kỹ khi có ý định khi mở rộng công suất.

Khi khởi xướng điều tra, doanh nghiệp cần tham gia vào công tác kháng kiện, hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra để tránh trường hợp cơ quan điều tra sử dụng dữ liệu sẵn có bất lợi để tính toán biên độ phá giá, trợ cấp.

Cuối cùng, doanh nghiệp phải tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp cùng ngành, hiệp hội để xử lý được các vấn đề, thống nhất câu trả lời. Nếu không thống nhất một vấn đề nhỏ, thì có thể cơ quan điều tra sẽ dùng căn cứ để áp dụng mức thuế cao.

Xem thêm

Minh Anh