|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

17 sản phẩm xuất khẩu có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại tại Mỹ

20:13 | 09/10/2023
Chia sẻ
Trong số 17 sản phẩm bị cảnh báo điều tra phòng vệ thương mại ở Mỹ, tủ bếp và pin năng lượng mặt trời là những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn sang thị trường này.

Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) vừa công bố danh sách 18 sản phẩm xuất khẩu có nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp, cập nhật đến tháng 6/2023. Trong đó có 17 sản phẩm bị cảnh báo ở thị trường Mỹ.

Đối với mặt hàng tủ bếp, tủ nhà tắm xuất khẩu sang Mỹ, các mã HS bị cảnh báo gồm 9403.40, 9403.60, 9403.90. Những sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 4/2020.

Mỹ đã áp dụng thuế chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) đối với các sản phẩm tương tự nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ tháng 2/2020 với mức thuế CBPG từ 4,37% đến 262,18%, mức thuế CTC từ 13,33% đến 293,45%.

Trong giai đoạn từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023, kim ngạch xuất khẩu tủ bếp và tủ nhà tắm của Việt Nam sang Mỹ đạt trên 2,7 tỷ USD, chiếm 34% tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Mỹ.

Đầu tháng 6/2022, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã khởi xướng điều tra xem xét tủ bếp và tủ nhà tắm nhập khẩu từ Việt Nam và Malaysia vào Mỹ sử dụng các bộ phận nhập khẩu từ Trung Quốc có thuộc phạm vi của biện pháp phòng vệ thương mại hay lẩn tránh biện pháp phòng vệ mà Mỹ đang áp dụng với Trung Quốc.

Dự kiến tháng 10/2023, DOC sẽ công bố kết luận sơ bộ và tháng 1/2024 sẽ công bố kết luận cuối cùng về vụ việc.

Một khác sản phẩm khác bị cảnh báo là pin năng lượng mặt trời xuất khẩu sang Mỹ. Mã HS tham khảo: 8501.71, 8501.72, 8501.80, 8507.20, 8541.42, 8541.43

Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 9/2021. Trong giai đoạn từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023, kim ngạch xuất khẩu pin năng lượng mặt trời của Việt Nam sang Mỹ đạt 4,1 tỷ USD, chiếm thị phần 28,5% trong tổng nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Mỹ.

Tháng 3/2022, DOC đã khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế với sản phẩm này nhập khẩu từ Việt Nam, do cáo buộc Việt Nam lẩn tránh thuế CBPG và CTC mà Mỹ đang áp dụng với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tháng 8/2023, DOC kết luận đối tượng của biện pháp chống lẩn tránh là sản phẩm tế bào quang điện sản xuất tại Việt Nam nếu sử dụng tấm wafer sản xuất tại Trung Quốc.

Hoặc mô-đun quang điện sản xuất tại Việt Nam nếu sử dụng tấm wafer sản xuất tại Trung Quốc và nhiều hơn hai trong số các nguyên liệu sau được sản xuất tại Trung Quốc bao gồm dung dịch bạc, khung nhôm, kính, tấm nền, tấm EVA, các hộp nối...

DOC cho phép các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu pin năng lượng mặt trời đủ điều kiện của Việt Nam được tự xác nhận không thuộc các trường hợp trên để được loại trừ khỏi biện pháp chống lẩn tránh.

Ngoài ra, 14 mặt hàng còn lại nằm trong danh sách cảnh báo tại Mỹ, bao gồm: gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng; ghế sofa có khung gỗ; gỗ thanh và viền dải gỗ; ống thép hộp và ống thép tròn; đá nhân tạo bằng thạch anh; gạch men; vỏ bình ga; ghim đóng thùng; thép carbon chống ăn mòn; cáp thép dự ứng lực; máy giặt dân dụng cỡ lớn; nhôm thanh định hình; dây và cáp nhôm; mặt bích bằng thép không gỉ; xe đạp điện.

Trong buổi làm việc với bà Gina Raimondo, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ vào cuối tháng 9, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên bày tỏ lo ngại khi tần suất các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ ngày càng gia tăng, nhất là các vụ việc nhắm vào các sản phẩm công nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Bộ trưởng Công Thương đề nghị DOC sẽ xem xét các ý kiến của Việt Nam trong từng vụ việc cụ thể nhằm đảm bảo tự do hóa thương mại, tính công bằng, khách quan, minh bạch cho hoạt động giao thương của doanh nghiệp hai nước.

Hoàng Anh