|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất nhập khẩu cuối năm sẽ sôi động hơn khi Trung Quốc giảm lãi suất, lạm phát ở Mỹ, EU hạ nhiệt

14:46 | 05/10/2023
Chia sẻ
Bộ Công Thương cho rằng hoạt động xuất nhập khẩu được dự báo sẽ khởi sắc trong những tháng cuối năm khi nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc tăng, tồn kho giảm.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết 9 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 497,6 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 259,7 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu đạt 237,9 tỷ USD, giảm 14%. Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng đầu năm xuất siêu 21,6 tỷ USD. 

 

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 70,9 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2022. Còn Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 79,1 tỷ USD, giảm 14%.

 

 

Bộ Công Thương dự báo hoạt động xuất nhập khẩu được dự báo tiếp tục khởi sắc trong những tháng cuối năm do được hỗ trợ bởi các yếu tố như lạm phát có xu hướng hạ nhiệt tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU. Nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cũng thường tăng cao vào dịp lễ hội cuối năm, trong khi tồn kho tại thị trường lớn đang giảm dần.

Mặt khác, Việt Nam cũng được cho là sẽ hưởng lợi từ việc các tập đoàn đa quốc gia chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cho rằng việc Trung Quốc – thị trường xuất khẩu hàng hóa hàng hóa lớn thứ hai của Việt Nam có động thái đã hạ lãi suất nhằm vực dậy nền kinh tế, cũng mở ra hy vọng nhu cầu tiêu dùng và sản xuất sẽ cải thiện trong thời gian tới.

Theo cơ quan thống kê của Trung Quốc, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của nước này đã tăng từ 49,7 điểm vào tháng 8 lên 50,2 điểm trong tháng 9, vượt dự báo đưa ra trước đó là 50 điểm. Chỉ số PMI vượt 50 điểm cho thấy các ngành sản xuất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang dần lấy lại thăng bằng.

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn phải đối mặt với những yếu tố rủi ro liên quan đến căng thẳng địa chính trị, khủng hoảng năng lượng, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, đứt gãy chuỗi cung ứng…

“Sự bất ổn, không chắc chắn của kinh tế toàn cầu đang ở mức cao nhất trong nhiều năm, điều này tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn”, Bộ Công Thương nhận định.

Ngoài ra, một yếu tố rủi ro khác là các tập đoàn đa quốc gia đang chuyển dịch chuỗi cung ứng, sản xuất đến gần với thị trường tiêu thụ (near sourcing) và đang dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất, thay vì chỉ tập trung nhà máy sản xuất ở một số nước như Trung Quốc, Việt Nam.

Các tập đoàn đa quốc gia đang đầu tư các nhà máy sản xuất ở một số nước như Ấn Độ, Mexico, Brazil… làm gia tăng đối thủ cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam và ảnh hưởng trực tiếp đến thị phần của Việt Nam tại các thị trường này.

Hoàng Anh