|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cảnh báo sớm các vụ việc phòng vệ thương mại với hàng xuất khẩu

20:30 | 13/07/2024
Chia sẻ
Tính đến tháng 6/2024, Việt Nam đã phải đối mặt với 252 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường với đa dạng các mặt hàng.

Bộ Công Thương cho biết, xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong nửa cuối năm 2024. Điều này đồng nghĩa, hàng hoá xuất khẩu sẽ đối diện nhiều hơn trước các vụ điều tra phòng vệ thương mại; trong đó, có một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang các thị trường lớn (EU, Mỹ).

Vì vậy, nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tăng cường năng lực về phòng vệ thương mại, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế, cơ chế phối hợp liên ngành, địa phương. Cùng đó, chủ động theo dõi, bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước.

Mặt khác, Bộ tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh cảnh báo sớm các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; việc chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ; tăng cường thông tin, phổ biến kiến thức về phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất, doanh nghiệp...

Sản xuất thép cuộn xuất khẩu tại Công ty TNHH Thép JFE Shoji Hải Phòng, vốn đầu tư Nhật Bản, tại Khu công nghiệp đô thị VSIP Hải Phòng. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Theo Bộ Công Thương, trước bối cảnh nhiều hàng hóa nhập khẩu có dấu hiệu bán phá giá hoặc được trợ cấp gây thiệt hại nghiêm trọng cho một số ngành sản xuất trong nước, việc khởi kiện, điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước.

Tính đến nay, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 28 vụ việc phòng vệ thương mại và đã áp dụng 22 biện pháp với hàng hoá nhập khẩu. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Công Thương đã triển khai điều tra, rà soát các vụ việc phòng vệ thương mại gồm tiếp tục điều tra, rà soát 7 vụ việc đã khởi xướng trong năm 2023; khởi xướng điều tra 1 vụ việc mới; tiếp nhận và xử lý 7 hồ sơ đề nghị điều tra và rà soát mới.

Về ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại nước ngoài, tính đến tháng 6/2024, Việt Nam đã phải đối mặt với 252 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường với đa dạng các mặt hàng. Ngoài ra, Cơ quan điều tra nước ngoài thường xuyên rà soát các vụ việc phòng vệ thương mại với quy trình và các yêu cầu rất phức tạp.

Để ứng phó với các vụ khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại từ nước ngoài, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai có hệ thống hàng loạt các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu xử lý ứng phó với 10 vụ việc phòng vệ thương mại mới khởi xướng đối với hàng hóa xuất khẩu và tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp xử lý các vụ việc khởi xướng từ những năm trước.

Hơn nữa, việc chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ cũng đã được Bộ Công Thương tăng cường đẩy mạnh. Theo đó, Bộ Công Thương thường xuyên theo dõi và cung cấp danh sách cảnh báo một số mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ. Điều này giúp phát hiện và xử lý đối với doanh nghiệp cá biệt có vi phạm về xuất xứ hàng hóa hoặc chỉ thực hiện các công đoạn sản xuất có hàm lượng giá trị gia tăng không đáng kể tại Việt Nam.

Đáng chú ý, trước việc gia tăng điều tra phòng vệ thương mại thời gian qua, theo định kỳ, tháng 6/2024 vừa qua, Bộ Công Thương cũng đã thông báo danh sách cảnh báo gồm 17 mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại gửi các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp để phối hợp theo dõi.

Nhận định từ các chuyên gia thương mại, thời gian qua, việc cảnh báo sớm đã đem lại một số kết quả tích cực như Việt Nam chứng minh doanh nghiệp xuất khẩu không có các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng với nước thứ ba trong vụ việc Mỹ điều tra chống lẩn tránh với thép dây không gỉ dạng tròn; Australia chấm dứt điều tra chống bán phá giá với amoni nitrat; doanh nghiệp xuất khẩu pin mặt trời sang Mỹ được miễn thuế phòng vệ thương mại tạm thời; mức thuế chống bán phá giá chính thức do Mexico áp dụng với thép mạ giảm so với sơ bộ... Nhờ vậy, doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc bị áp thuế ở mức thấp, góp phần không chỉ giữ vững mà còn mở rộng thị trường xuất khẩu./.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Uyên Hương

[LIVE] Talkshow ‘Xu hướng đầu tư bất động sản 2025: Cơ hội nào trong chu kỳ mới?’
Những thông tin cập nhật bối cảnh thị trường, dự báo xu hướng dòng tiền vào bất động sản... sẽ được đưa ra thảo luận tại Talkshow ‘Xu hướng đầu tư bất động sản 2025: Cơ hội nào trong chu kỳ mới?’ phát sóng vào 14h30 ngày 30/10.