|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ấn Độ điều tra chống bán phá giá với ống thép hàn không gỉ Việt Nam

18:19 | 09/10/2023
Chia sẻ
Cơ quan chức năng Ấn Độ đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với ống thép hàn không gỉ có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam trong thời kỳ từ ngày 1/4/2022 đến ngày 31/3/2023.

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ (DGTR) vừa khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với ống thép hàn không gỉ có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Thái Lan và Việt Nam.

8 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ 403.240 tấn thép, tương ứng 307 triệu USD, gấp 11,6 lần về lượng và gấp 6,2 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Lượng hàng xuất khẩu sang Ấn Độ chỉ chiếm khoảng 5,5% tổng lượng sắt thép xuất khẩu của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm.

Hàng hóa bị điều tra là ống thép hàn không gỉ thuộc các mã HS: 7306 40 00, 7306 61 00; 7306 69 00, 7304 11 10, 7304 11 90, 7304 41 00, 7304 51 10, 7304 90 00, 7305 11 29, 7305 90 99, 7306 11 00, 7306 21 00, 7306 29 19, 7306 30 90, 7306 50 00, 7306 90 11, 7306 90 19, 7 306 90 90.

Mã HS không giới hạn phạm vị sản phẩm bị rà soát. Hàng hóa nêu trên đang bị Ấn Độ áp dụng thuế chống trợ cấp, đồng thời cũng là đối tượng điều tra trong vụ việc rà soát hoàng hôn lệnh áp thuế chống trợ cấp.

DGTR ban hành thông báo khởi xướng điều tra vào ngày 30/9/2023. Các bên liên quan có thể nộp ý kiến về hàng hóa bị điều tra và đề xuất PCN (mã số quản lý sản phẩm) trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông báo.

Thời kỳ điều tra từ ngày 1/4/2022 đến ngày 31/3/2023. Đối với nội dung về thiệt hại, thời kỳ điều tra sẽ bao gồm thêm ba kỳ tài chính gần nhất là 2019 – 2020; 2020 – 2021 và 2021 – 2022.

Các bên liên quan liên lạc và nộp bản trả lời câu hỏi điều tra hoặc các thông tin cần thiết tới DGTR qua địa chỉ email: adg14-dgtr@gov.in, adv13-dgtr@gov.in; dd11-dgtr@gov.in; và dd16-dgtr@gov.in.

Bản câu hỏi điều tra trên trang thông tin điện tử của DGTR. Thời hạn nộp bản trả lời câu hỏi điều tra, thông tin liên quan là 37 ngày kể từ ngày thông báo khởi xướng điều tra.

Để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, Cục Phòng vệ Thương mại khuyến nghị các nhà sản xuất/xuất khẩu liên quan nghiên cứu các tài liệu, thông tin liên quan tới vụ việc và hợp tác với DGTR.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đăng ký làm bên liên quan, trả lời bản câu hỏi điều tra đúng thời hạn và thể thức, đồng thời phối hợp, trao đổi thông tin với các đối tác tại Ấn Độ để thu thập thông tin và yêu cầu DGTR xem xét toàn diện lợi ích chung cũng như quyền lợi của người tiêu dùng Ấn Độ.

Trước đó, vào năm 2021, Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ cũng từng khởi xướng điều tra rà soát phạm vi sản phẩm trong vụ việc chống trợ cấp đối với một số sản phẩm ống thép hàn không gỉ có xuất xứ từ Việt Nam và Trung Quốc.

Đây là vụ việc rà soát giữa kỳ theo yêu cầu của nguyên đơn là Công ty Kunshan Kinglai Hygienic Material nhằm loại trừ các sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn Thiết bị xử lý sinh học (ASME BPE) của Hiệp hội Kỹ sư cơ khí Hoa Kỳ (ASME), ra khỏi phạm vi lệnh áp thuế chống trợ cấp theo Thông báo số 4/2019-Customs (CVD) ngày 17/9/2019.

Hoàng Anh

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.