Trung Quốc, EU nhất trí tham vấn về cuộc điều tra chống bán phá giá xe điện
Theo thông cáo báo chí của Bộ Thương mại Trung Quốc, ông Vương Văn Đào đã được mời tham dự cuộc họp trực tuyến với ông Dombrovskis.
Trước đó cùng ngày, trong cuộc gặp Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đang ở thăm Trung Quốc, Bộ trưởng Vương Văn Đào tuyên bố Bắc Kinh sẵn sàng đối thoại và tham vấn về vấn đề xe điện nếu EU có thiện chí ngồi vào bàn đàm phán với thái độ chân thành.
Bộ trưởng Vương Văn Đào bày tỏ Trung Quốc sẵn sàng cân nhắc những lo ngại chính đáng của cả hai bên một cách hợp lý và chuyên nghiệp để tránh leo thang mâu thuẫn thương mại. Trung Quốc hy vọng Đức sẽ đóng vai trò tích cực trong EU, thúc đẩy phía châu Âu đạt được thỏa thuận với Bắc Kinh. Nếu EU vẫn giữ nguyên lập trường, Trung Quốc sẽ triển khai các biện pháp cần thiết, trong đó có khả năng khởi kiện theo cơ chế giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Ông Habeck là bộ trưởng đầu tiên của các quốc gia thành viên EU đến thăm Trung Quốc kể từ khi khối này công bố đề xuất thuế quan. EU lập luận rằng Trung Quốc dành các khoản trợ cấp “hào phóng” cho các nhà sản xuất ô tô trong nước, giúp mang lại cho các hãng này lợi thế cạnh tranh không công bằng so với các nhà sản xuất châu Âu.
Trung Quốc đã phản đối đề xuất nêu trên, cảnh báo về nguy cơ xảy ra cuộc chiến thương mại khi các nhà sản xuất ô tô của nước này kêu gọi Bắc Kinh đánh thuế nhập khẩu đối với xe động cơ đốt trong của EU.
Trong một diễn biến khác có liên quan, ông Trịnh San Khiết - Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc - ngày 22/6 cho rằng kế hoạch của EU nhằm áp thuế bổ sung đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ gây tổn hại cho cả hai bên.
Phát biểu tại hội nghị cấp cao giữa Trung Quốc và Đức về biến đổi khí hậu và chuyển đổi xanh, ông Trịnh San Khiết nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc. Ông Trịnh San Khiết khẳng định sự phát triển của ngành năng lượng mới ở Trung Quốc được thúc đẩy nhờ lợi thế về công nghệ, thị trường và chuỗi công nghiệp, là kết quả của cạnh tranh thị trường chứ không phải là trợ cấp hoặc các hoạt động không công bằng.