Thiệt đơn thiệt kép trong cuộc chiến giá xe điện
Theo tờ South China Morning Post, mới đây, trong một cuộc họp báo, ông David Xu Daquan, Chủ tịch Bosch Trung Quốc, đã nói với các phóng viên rằng ông đã đề xuất với Chủ tịch Tập Cận Bình tạo ra một cơ chế thị trường công bằng và trật tự nhằm tránh cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà sản xuất ô tô và các nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng của đất nước.
"Trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu, các công ty Trung Quốc hiện đang dẫn đầu, ít nhất là về kiến thức và điện hóa. Nhưng chỉ khi có sự tăng trưởng chất lượng cao trong ngành mới có lợi cho nền kinh tế và nâng cao hình ảnh của các công ty Trung Quốc như những nhà lãnh đạo có trách nhiệm", ông David Xu Daquan nói.
Ông Xu là một trong những lãnh đạo doanh nghiệp đã gặp ông Tập tại tỉnh Sơn Đông vào ngày 23/5 vừa qua khi Chủ tịch Trung Quốc đưa ra những thông điệp ủng hộ kinh doanh và tăng trưởng về triển vọng kinh tế để trấn an các công ty nhà nước, các công ty đa quốc gia, các doanh nghiệp tư nhân và các nhà đầu tư.
Bosch, nhà cung cấp linh kiện ô tô lớn nhất thế giới, đã hiện diện tại Trung Quốc từ năm 1909. Năm ngoái, Bosch ghi nhận doanh thu đạt 18,2 tỷ euro (19,5 tỷ USD), tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Khoảng 80% doanh thu của công ty tại Trung Quốc đến từ phân khúc ô tô, bao gồm phần mềm cho hệ thống lái tự động, bộ trợ lực phanh điện cơ và sản phẩm phanh chống bó cứng.
Đề xuất của ông Xu với ông Tập được đưa ra sau những lo ngại ngày càng tăng về lợi nhuận tổng thể của các nhà sản xuất xe điện và nhà cung cấp linh kiện Trung Quốc khi họ tham gia vào cuộc chiến giá cả quyết liệt để giành thị phần và giải phóng hàng tồn kho trong bối cảnh thừa công suất.
Ông Xu không tiết lộ phản ứng của ông Tập đối với những đề xuất của mình. "Quy định miễn thị thực Bắc Kinh cấp cho công dân Đức giúp các kỹ sư của chúng tôi có thể tới Trung Quốc để cải thiện hiệu suất làm việc," ông nói. Đồng thời, nhà lãnh đạo Bosch nhấn mạnh rằng nỗ lực của Trung Quốc trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp nước ngoài đã củng cố niềm tin của công ty ông trong việc tăng cường đầu tư vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Những nhận xét của ông về cuộc chiến giá cả hoàn toàn trái ngược với quan điểm của ông Wang Chuanfu, nhà sáng lập và Chủ tịch hãng xe BYD. Hồi đầu tháng này, ông Wang đưa ra quan điểm rằng hoạt động cạnh tranh khốc liệt có thể nâng cao tính cạnh tranh của các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc.
Theo nhà sáng lập BYD, chỉ những công ty có công nghệ tốt nhất và năng lực sản xuất mạnh mới có thể tồn tại. Hồi tháng 2, BYD đã khởi xướng cuộc chiến giá cả tại đại lục bằng cách giảm giá gần như tất cả các mẫu xe của mình từ 5 đến 20%.
Sau đó, giá của 50 mẫu xe thuộc nhiều thương hiệu khác nhau đã giảm trung bình 10%, theo một báo cáo của Goldman Sachs vào tháng 4. Ngân hàng Mỹ này cũng cho biết thêm, một đợt giảm giá khác của BYD khoảng 10.300 nhân dân tệ (1.420 USD) mỗi xe, tương đương 7% giá bán trung bình của công ty, có thể đẩy ngành công nghiệp EV của quốc gia này vào tình trạng thua lỗ.
Trung Quốc đại lục là thị trường xe điện lớn nhất thế giới, với doanh số chiếm 60% tổng số toàn cầu. Tuần trước, Liên minh châu Âu đã đề xuất mức thuế nhập khẩu lên đến 38% đối với ô tô điện sản xuất tại Trung Quốc sau một cuộc điều tra chống trợ cấp kéo dài 9 tháng.
Tháng trước, Nhà Trắng đã thông báo rằng Mỹ sẽ áp dụng mức thuế 100% đối với ô tô chạy bằng pin nhập khẩu từ Trung Quốc, gần như gấp 4 lần mức thuế trước đó là 27%.