|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Châu Âu sẽ thua thiệt nếu đụng độ với Trung Quốc về xe điện?

10:00 | 29/10/2023
Chia sẻ
Trong lĩnh vực xe điện, Trung Quốc có lợi thế vượt trội khi so với châu Âu. Nếu mở ra một cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc về xe điện, châu Âu nhiều khả năng sẽ mất nhiều hơn được.

Nguy cơ một cuộc chiến thương mại

Tháng 9 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức mở một cuộc điều tra xem liệu các nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc có nhận được trợ cấp từ chính phủ hay không.

EU cáo buộc Bắc Kinh trợ cấp nhiều cho các nhà sản xuất xe điện, tạo ra môi trường cạnh tranh không công bằng và bóp méo thị trường. Nếu kết quả điều tra đúng như cáo buộc, EU có thể áp thuế đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc. 

Trong ba năm qua, xuất khẩu xe điện của Trung Quốc đã tăng 851%, chủ yếu sang châu Âu. Hiện nay, 8% xe điện bán ra tại châu Âu đến từ Trung Quốc. Chỉ vài năm trước đó, ô tô Trung Quốc gần như không tồn tại ở lục địa già.

Mẫu xe giá rẻ ATTO 3 của BYD đã trở thành xe điện bán chạy nhất tại một số thị trường châu Âu như Thụy Điện. (Ảnh: Top Gear).

Xét trên khía cạnh địa chính trị, cuộc điều tra của EU rất phức tạp khi nhiều hãng xe lớn của châu Âu như Volkswagen, Mercedes hay BMW có mối quan hệ mật thiết với thị trường Trung Quốc.

Trong nhiều năm, Volkswagen từng là nhà sản xuất xe bán chạy nhất Trung Quốc và thị trường này thường đóng góp khoảng một nửa lợi nhuận cho tập đoàn mẹ (bao gồm từ Volkswagen Group China và hoạt động xuất khẩu).

Việc hai nền kinh tế rơi vào một cuộc chiến thương mại có thể gây tổn hại lớn tới kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu. Trong khi đó, với các công ty xe điện Trung Quốc, thị trường nội địa đang đóng vai trò chủ lực.

Các hãng xe Trung Quốc như BYD đang dần chiếm lĩnh thị trường nội địa, trong khi các hãng xe ngoại thụt lùi.

Bắc Kinh đã sẵn sàng trả đũa những động thái của EU. Bộ Thương mại Trung Quốc đã lên án cuộc điều tra, gọi đây là “hành vi bảo trợ trắng trợn, làm gián đoạn và bóp méo nghiêm trọng chuỗi cung ứng công nghiệp ô tô toàn cầu”. 

Trong khi ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc đang phát triển như vũ bão, châu Âu lại đang cài số lùi. Thị trường ô tô EU đã thu hẹp trong những năm qua. Trong khi đó, xe điện của châu Âu đang kém cạnh tranh hơn so với những sản phẩm do Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc sản xuất. 

Do vậy, nếu một cuộc thương chiến về xe điện giữa Bắc Kinh và Brussels nổ ra, châu Âu có thể sẽ là kẻ chịu thiệt hơn cả. 

Lợi thế gần như tuyệt đối của Trung Quốc

Theo Wall Street Journal, các nhà sản xuất Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới trên nhiều khía cạnh quan trọng của ngành xe điện, trong đó có chuỗi cung ứng và công nghệ pin.

Trung Quốc là nước đi tiên phong trong lĩnh vực sản xuất pin, cho phép xe điện có phạm vi hoạt động dài hơn với chi phí cạnh tranh hơn. Trung Quốc cũng dẫn đầu thế giới về việc sản xuất động cơ điện hay thiết kế những hệ thống biến tần hiệu suất cao.  

Ngoài ra, đất nước tỷ dân cũng đang làm chủ chuỗi cung ứng các kim loại quan trọng dùng trong sản xuất pin xe điện, đặc biệt là đất hiếm. Ngoài việc có sản lượng đất hiếm cao nhất thế giới, Trung Quốc cũng đang tích cực kiểm soát các mỏ kim loại quan trọng như cobalt, nickel từ châu Phi, Nam Mỹ cho tới Đông Nam Á. 

Một mỏ cobalt tại Congo. (Ảnh: Reuters).

Tiền lương ở Trung Quốc cũng thấp hơn đáng kể so với châu Âu hay Mỹ. Công nhân ô tô tại các thành phố lớn như Thượng Hải sẽ kiếm được khoảng 30.000 USD tiền lương và phúc lợi mỗi năm. Ở những thành phố nhỏ hơn, mức thu nhập có thể thấp hơn nhiều.

Tại Mỹ, công nhân của Ford có thể kiếm được 110.000 USD mỗi năm. Mức lương của công nhân châu Âu cũng tương tự như tại Mỹ. 

Hơn nữa, hoạt động sản xuất ô tô của Trung Quốc cũng được tự động hóa cao. Ông Michael Dunne, một nhà phân tích về thị trường ô tô, cho biết các nhà sản xuất tại Mỹ đang phải mua robot công nghiệp và các thiết bị khác từ Trung Quốc.

Lợi thế về năng lực sản xuất đã giúp giá bán xe điện của Trung Quốc rẻ bằng một nửa so với thị trường Mỹ hay châu Âu. 

Mặc dù nhiều hãng xe điện tại Trung Quốc đang thua lỗ, một số công ty dẫn đầu như BYD đang ghi nhận doanh số và lợi nhuận tăng trưởng mạnh. BYD, hãng xe điện được tỷ phú Warren Buffett đầu tư, dự kiến đạt lợi nhuận khoảng 3 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2023, cũng như vượt qua Tesla về sản lượng xe điện.

BYD tự chủ trong nhiều công đoạn sản xuất và thậm chí còn là nhà cung ứng pin cho Tesla, hãng xe điện có vốn hóa lớn nhất thế giới.

Việc tự chủ cũng giúp BYD tối ưu chi phí. Khi mổ xẻ một chiếc BYD Seal, các nhà phân tích của UBS phát hiện ra rằng chi phí sản xuất của loại xe này rẻ hơn ít nhất là 35% so với một chiếc Volkswagen ID3 - dòng xe điện ở phân khúc thấp hơn. 

Do những lợi thế trên, tại các thị trường đầy tiềm năng như Đông Nam Á hay Ấn Độ, những chiếc xe điện của Trung Quốc đang thống trị. Theo Counterpoint Research, 75% xe điện được bán tại thị trường Đông Nam Á trong quý I/2023 là từ Trung Quốc. 

Trong khi đó, cứ 7 chiếc xe được bán tại Ấn Độ thì có một chiếc là xe điện. Chỉ riêng BYD đã chiếm 21,1% thị phần xe điện tại Ấn Độ, trong khi gã khổng lồ Tesla chỉ đứng vị trí thứ hai, với 16% thị phần.

Tại thị trường Mỹ, xe điện Trung Quốc khó cạnh tranh hơn vì rào cản thuế quan cũng như sự thống trị của Tesla. Và cho đến nay, các hãng xe điện tại châu Âu cũng không quá thành công khi thâm nhập thị trường này.

Ngoài ra, chính phủ Mỹ cũng có những khoản trợ cấp riêng đối với xe điện được sản xuất trong nước, khiến các dòng xe xuất khẩu trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt người tiêu dùng.

Như vậy, tại các thị trường quốc tế, nhất là những nơi có tốc độ tăng trưởng nhanh, xe điện của Trung Quốc đang hoàn toàn thống trị và những nhà sản xuất của châu Âu sẽ chẳng có mấy cơ hội cạnh tranh. 

Nỗi lo bị thổi phồng quá mức

Việc châu Âu bắt đầu một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc có thể gây ra nhiều rủi ro hơn là lợi ích. Vào tháng 9, CEO của Volkswagen đã nhận định rằng mối đe dọa từ xe điện của Trung Quốc đã bị thổi phồng quá mức do chi phí vận chuyển ô tô từ Trung Quốc tới châu Âu là cực kỳ tốn kém. 

Chẳng hạn, BYD đang bán ba mẫu xe điện tại châu Âu là ATTO 3 với giá khởi điểm 38.000 EUR, Tang và Han với giá 72.000 EUR. Tuy nhiên, tại Trung Quốc, ATTO 3 chỉ có giá quy đổi là 18.000 EUR, còn Tang và Han có giá lần lượt là 32.000 EUR và 27.000 EUR. 

Sau khi vận chuyển sang thị trường EU, những chiếc xe này đã đắt hơn từ 2 đến 2,6 lần. Một mặt, chi phí vận chuyển đắt đỏ đã khiến BYD phải nâng giá bán. Mặt khác, công ty cũng phải trả nhiều tiền hơn cho các đại lý ô tô tại địa phương để phân phối những dòng xe với số lượng nhỏ. 

Và mặc dù xe nhập khẩu từ Trung Quốc đang chiếm 8% doanh số xe điện mới tại EU, phần lớn trong số đó là Tesla hoặc các thương hiệu châu Âu được doanh nghiệp Trung Quốc mua lại như Volvo hay MG Motors. Những thương hiệu như Volvo hay Tesla thường không cạnh tranh trực tiếp về giá với các sản phẩm của Volkswagen. 

Sản lượng giảm trong khi xuất khẩu và nhập khẩu gần như không biến động nhiều cho thấy thị trường ô tô châu Âu đang thu hẹp. 

Ngoài ra, sản lượng ô tô tại EU đã giảm trong những năm gần đây. Vào năm 2017, khối này đã sản xuất được gần 15 triệu chiếc xe. Sang năm 2022, sản lượng đã giảm xuống còn 11 triệu chiếc. 

Tuy nhiên, số lượng nhập khẩu và xuất khẩu giữa giai đoạn này thay đổi rất ít. Hay nói cách khác, bản thân thị trường nội địa của EU, nơi các nhà sản xuất châu Âu có lợi thế cạnh tranh lớn nhất về giá, đang thu hẹp lại. 

Bởi vậy, nếu khởi mào một cuộc chiến về thuế quan với Trung Quốc, chắc chắn các nhà sản xuất châu Âu sẽ mất đi một thị trường xuất khẩu béo bở. Trong khi đó, bản thân thị trường EU đang thu hẹp lại sẽ càng đẩy ngành công nghiệp ô tô vào thế khó hơn. 

Minh Quang

MBS dự phóng lợi nhuận 4 ngành có thể tăng bằng lần trong quý IV
Lợi nhuận một số ngành dự báo giảm trong quý cuối năm như bất động sản khu công nghiệp do còn đợi hoàn thiện khung chính sách hay dầu khí do giá dầu suy giảm so với cùng kỳ.