Đổ tiền tỷ vào R&D nhưng con đường tới lợi nhuận của ông lớn xe điện Trung Quốc vẫn còn xa
Mới đây, tờ Nikkei Asia đã đưa ra những phân tích về bài toán lợi nhuận với các nhà sản xuất xe điện với ví dụ điển hình là startup Nio của Trung Quốc.
Nhà sản xuất ô tô có trụ sở tại Thượng Hải đang trở thành tâm điểm của sự chú ý trong bối cảnh thị trường xe điện Trung Quốc ngày càng phát triển. Nio đã đầu tư rất lớn vào hoạt động nghiên cứu và phát triển, tuy nhiên con đường tới lợi nhuận vẫn còn xa, điều này càng làm rõ sự phức tạp trong việc kinh doanh xe điện.
Nio bắt đầu hành trình xe điện của họ vào năm 2014. Đến năm 2018, công ty cho ra mắt chiếc xe điện đầu tiên - Nio EP9, đồng thời niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán New York. Nio chú trọng hoạt động nghiên cứu và phát triển, họ có cả công nghệ pin sạc và pin có thể thay thế. Ngoài ra, hãng xe điện Trung Quốc cũng đang phát triển các thiết bị và hệ thống bán dẫn của riêng mình.
Trong giai đoạn 2016-2023, công ty đã chi tổng cộng 36,8 tỷ nhân dân tệ (5,15 tỷ USD) cho nghiên cứu và phát triển, tương đương với mức đầu từ cho R&D của Mitsubishi Motors - công ty có doanh số bán hàng hàng năm lớn gấp 7 lần Nio.
Năm nay, chi phí R&D của Nio thậm chí có thể vượt qua con số 1,55 tỷ USD. Trong năm ngoái, tỷ lệ R&D trên doanh thu của Nio ở mức 22%, vượt xa mức 3,8% của Tesla và 4,3% của người đồng hương BYD. Nhân sự chiếm 60% chi phí R&D của Nio với mức lương trung bình hàng năm tại công ty là 670.000 nhân dân tệ, tương đối cao đối với thị trường Trung Quốc.
Tuy vậy, nhà sản xuất xe điện còn một chặng đường dài trước khi đạt được hiệu quả trong kinh doanh. Trong khi doanh thu của công ty năm ngoái tăng hơn 6 lần so với ba năm trước, lên 49,2 tỷ nhân dân tệ, thì khoản lỗ của Nio đã tăng tương ứng từ 11 tỷ nhân dân tệ lên 15,6 tỷ nhân dân tệ trong giai đoạn này.
Ngoài chi phí R&D khổng lồ, khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng trao đổi pin cũng ăn mòn lợi nhuận. Nio đã xây dựng hơn 1.300 trạm đổi pin trên khắp Trung Quốc và có kế hoạch xây dựng thêm 1.000 trạm nữa trong năm nay.
Ước tính của các công ty chứng khoán cho thấy một trạm sạc xe điện có giá khoảng 3,5 triệu nhân dân tệ. Trong nửa đầu năm 2023, Nio báo lỗ 11,1 tỷ nhân dân tệ. Đáng nói, kể từ đầu năm, trợ cấp của Trung Quốc dành cho xe điện và xe plug-in hybrid đã chấm dứt.
Điều này đã làm giảm doanh số bán hàng quý II xuống mức thấp nhất trong hai năm gần đây, khiến việc huy động vốn càng trở nên khó khăn. Hồi tháng 9, Nio đã quyết định phát hành trái phiếu chuyển đổi bằng USD trị giá tổng cộng 1 tỷ USD, làm dấy lên lo ngại về sức khỏe tài chính. Giá cổ phiếu đã giảm khoảng 10% kể từ cuối năm ngoái, trái ngược hẳn với mức tăng 110% của Tesla.
9 năm tham gia ngành xe điện, Nio đạt được thành tựu không hề thua kém Tesla. Công ty có tới 8 mẫu xe điện khác nhau, thuộc nhiều phân khúc. Song, Tesla giờ là kẻ thống trị thị trường nhờ lợi thế của người tiên phong trong lĩnh vực, còn Nio thì vấp phải sự cạnh tranh của nhiều đối thủ cả trong lẫn ngoài Trung Quốc.
Nỗi khổ của Nio chắc chắn sẽ nhận được sự cảm thông của các hãng sản xuất xe hơi Nhật Bản - những cái thương hiệu truyền thống đang "chập chững" bước vào ngành xe điện.
Hầu hết các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đều có kế hoạch chi hàng trăm tỷ đến vài nghìn tỷ yên đầu tư trung và dài hạn để mở rộng hoạt động xe điện.
Muốn đạt được lợi nhuận bất chấp khoản đầu tư khổng lồ như vậy, họ cần đảm bảo khối lượng bán hàng lớn. Một số nhà phân tích cho rằng một công ty khởi nghiệp xe điện cần bán được 200.000 chiếc mỗi năm để đạt điểm hòa vốn.
Theo công ty nghiên cứu MarkLines, Nissan Motor, dẫn đầu các nhà sản xuất xe điện Nhật Bản, đã bán được 130.000 chiếc vào năm 2022. Mặc dù các công ty Nhật Bản có nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và công nghệ dồi dào nhưng triển vọng cho hoạt động kinh doanh xe điện của họ vẫn còn là dấu hỏi lớn.
Với nhu cầu đầu tư lớn, cạnh tranh về doanh số cũng như áp lực giảm giá là không thể tránh khỏi, động lực thống trị thị trường xe điện ngày nay có nhiều điểm tương đồng với động lực cạnh tranh của thị trường màn hình tinh thể lỏng trước đây.
Vậy điều gì sẽ phận định kẻ thua - người thắng? Mới đây, Nio bất ngờ công bố mẫu điện thoại thông minh đầu tiên do hãng tự phát triển. Thiết bị Android được tích hợp nhiều tính năng mang lại sự thuận tiện và kết nối tốt hơn cho người lái, bao gồm điều khiển điều hòa, điều chỉnh ghế ngồi...
Giám đốc điều hành Nio, William Li, cho biết: “Chúng tôi muốn sử dụng điện thoại như một nhà cung cấp dịch vụ để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng phương tiện của mình”.
Theo giới phân tích, Nio tập trung vào việc làm cho các phương tiện của mình trở nên thông minh hơn và không gian vui vẻ hơn, đạt được lợi thế trong phát triển phần mềm và sáng tạo nội dung. Điều mà các nhà sản xuất Nhật Bản đang thiếu.
Nio còn cung cấp các dịch vụ cho phép khách hàng sử dụng pin với giá cố định như một phần trong chiến lược kinh doanh nhằm tạo ra "hệ sinh thái Nio", tăng cường sự thuận tiện cho khách hàng.
Ước tính năm nay Tesla đạt doanh số 1,8 triệu chiếc, vượt xa các đối thủ cạnh tranh. Công ty cũng đang hướng tới mục tiêu không chỉ là một nhà bán xe điện đơn thuần. Bằng cách tận dụng hàng loạt dữ liệu được thu thập từ phần mềm xe, dịch vụ cập nhật phần mềm và bộ sạc pin, Tesla đang nỗ lực trở thành một đế chế kinh doanh công nghệ giống nhóm Big Tech của Mỹ, gồm Google, Apple và Amazon.