|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Đặt cược vào mô hình khác biệt với VinFast, công ty xe điện này đang là 'khách hàng' ruột của Lazada, Viettel Post, Grab...

08:19 | 11/10/2023
Chia sẻ
Chiến lược hiện tại của Selex Motors là phục vụ đối tượng tài xế giao hàng, khác với DatBike hay VinFast - phục vụ phân khúc khách hàng phổ thông.

Tháng 7 vừa rồi, Ngoại trưởng Mỹ Janet Yellen đã đến thăm nhà máy của một nhà sản xuất xe điện Việt Nam. Đó là Selex Motors - một startup sản xuất xe máy điện và cung cấp trạm đổi pin. Đây là một startup khá kín tiếng trên thương trường.

Ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên, Tổng giám đốc Selex Motors, từng thừa nhận nhiều người không biết hãng xe điện này là của Việt Nam. "Chúng tôi không chi nhiều tiền cho marketing và hoạt động gọi vốn của chúng tôi cũng không phải là để khoe khoang", ông nói với Tech in Asia.

Selex Motors là dự án khởi nghiệp của tiến sĩ Nguyễn Hữu Phước Nguyên - một chuyên gia trong ngành cơ khí, từng có thời gian học tập và làm việc tại Mỹ.

Năm 2018, ông Nguyên cùng các cộng sự thành lập Selex Motors với tham vọng tạo ra hệ sinh thái di chuyển thông minh, vận hành bằng thiết bị số từ chiếc xe cho tới hệ thống trạm sạc. Văn phòng đầu tiên của Selex Motors là một căn phòng cũ mượn được ở trường đại học Bách Khoa Hà Nội.

 Bên trong nhà máy sản xuất pin của Selex Motors ở ngoại thành Hà Nội. (Ảnh: Selex Motors).

TS Nguyên cho biết Selex Motors có ý nghĩa là di chuyển thông minh, được ghép từ Smart và Electric trong tiếng Anh. Hệ sinh thái này gồm 4 thành phần: Xe máy điện thông minh, pin có tính tương thích cao, trạm đổi pin tự động và nền tảng quản lý sử dụng công nghệ IoT.

CEO Selex Motors nói rằng ông có thể sang Trung Quốc lấy mẫu xe điện của họ, đặt hàng sản xuất thương mại và chỉ tốn 6 tháng là có xe cung ứng cho thị trường. Tuy vậy, nếu chỉ làm đơn giản như vậy thì việc Nguyên từ bỏ công việc thu nhập cao, gạt qua sự phản đối của gia đình để khởi nghiệp không có nhiều ý nghĩa.

Ông cùng cộng sự chọn con đường tự phát triển, nghiên cứu và sản xuất những mẫu xe của Selex Motors vì đây mới là con đường bền vững.

Mẫu Camel có khả năng chở tới 225 kg hàng hóa của Selex Motors là một ví dụ. Không chọn ồ ạt thương mại hóa, startup này hợp tác với các bên giao hàng như Lazada Logistics, Viettel Post hay Grab, Gojek để ứng dụng xe điện của họ.

Các công ty này hoặc mua xe điện của Selex Motors hoặc cung cấp các ưu đãi tài chính cho tài xế mua xe.

Ông Nguyên cho biết Selex có đủ kiểu dáng để tiến hành thương mại nhưng họ vẫn chọn đi những bước chậm rãi và chắc chắn. Chiến lược hiện tại của Selex Motors là phục vụ đối tượng tài xế giao hàng, khác với DatBike hay VinFast - phục vụ phân khúc khách hàng phổ thông.

Ngoài ra, startup này chỉ tập trung vào phân khúc B2B.

“Đối với nhân viên giao hàng, thời gian là tiền bạc. Họ không thể đợi vài giờ để sạc pin cho chuyến đi 200 đến 300 km mỗi ngày", ông Phước Nguyên nói.

Giải pháp cho câu chuyện năng lượng của Selex Motors là các trạm đổi pin.

Theo ông Nguyên, điều này có thể giúp phổ cập xe máy điện dễ dàng hơn. Pin sẽ là một dịch vụ riêng biệt. Các trạm đổi pin của Selex Motors có vẻ ngoài giống như một máy bán hàng tự động, sở hữu 19 ngăn nhưng chỉ chứa tối đa 18 viên pin, chừa lại một khe cho những viên pin đã qua sử dụng. Tài xế sẽ dùng ứng dụng mở khóa hốc pin mở khóa máy bằng ứng dụng Selex Motors và đổi lấy pin đã được sạc đầy.

Selex Motors có thể sản xuất 2.000 chiếc xe điện mỗi tháng nhưng sứ mệnh của họ không chỉ dừng lại ở việc bán xe và dịch vụ pin. TS Nguyên so sánh cuộc cách mạng xe điện đang diễn ra với quá trình chuyển đổi từ Nokia sang Apple. iPhone không chỉ là một thiết bị liên lạc mà còn tạo ra nền kinh tế ứng dụng toàn cầu.

CEO Selex Motors cho biết: “Xe điện cần đi theo hướng đó. Phương tiện phải là một thiết bị thông minh mang lại cho con người những giá trị bổ sung bên cạnh yếu tố là phương tiện đi lại”. 

Akshay Prasad, đồng tác giả báo cáo phân tích việc đổi pin EV ở các thị trường mới nổi của công ty tư vấn Arthur D. Little cho biết:

“Trao đổi pin như một khái niệm rất hấp dẫn từ góc độ của người tiêu dùng. Việc này loại bỏ chi phí của pin nên khiến chiếc xe có giá cả phải chăng hơn rất nhiều”. Tuy nhiên, để hợp lý về mặt kinh tế, các công ty xe điện thường phải làm cả hai việc: Bán xe và tính phí đổi pin.

Báo cáo của Arthur D. Little gợi ý rằng việc đổi pin là phù hợp nhất cho xe máy điện trong phân khúc B2B vì người lái xe theo yêu cầu cần tối đa hóa ca làm việc của họ. Ngoài ra, pin dành cho xe máy điện nhẹ hơn và do đó có thể thay thế dễ dàng hơn so với pin dùng trên xe bốn bánh. 

Về tiềm năng của mô hình đổi pin, TS Nguyên đặt mục tiêu tận dụng lợi thế đi đầu trong phân khúc đổi pin ở Đông Nam Á, thay vì hòa vốn trong ngắn hạn.

“Việc đổi pin đặc biệt phù hợp với người dân thành thị vì nó tiện lợi và an toàn”, CEO Selex Motors cho biết và khẳng định các bộ pin được sạc trên các trạm ở điều kiện tối ưu và được giám sát. Tuy vậy, quá trình chuyển đổi này sẽ cần nhiều thời gian.

Thùy Trang