|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Sợi Thế Kỉ đối mặt với vụ kiện chống bán phá giá sợi tại Thổ Nhĩ Kì

08:16 | 05/09/2016
Chia sẻ
Cho rằng cách tính của MOE không hợp lý, Sợi Thế Kỉ đang chuẩn bị hồ sơ để phản bác lại. Trong 6 tháng đầu năm, thị trường Thổ Nhĩ Kì đóng góp 27% tổng doanh thu của công ty.

Công ty cổ phần Sợi Thế Kỉ (Mã: STK) vừa có thông báo cập nhập về vụ kiện chống bán phá giá sợi DTY tại thị trường Thổ Nhĩ Kì.

Theo đó, vào tháng 5/2015, STK được thông báo Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kì (MOE) khởi xướng cuộc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm sợi DTY nhập khẩu từ Việt Nam và Thái Lan.

STK đã thuê công ty tư vấn chuyên về điều tra chống bán phá giá của Thổ Nhĩ Kì để chuẩn bị các số liệu và câu trả lời cho MOE. Theo tính toán của công ty tư vấn này, STK không hề bán phá giá tại Thổ Nhĩ Kì vì giá xuất khẩu của STK trong giai đoạn 2012 - 2014 (giai đoạn bị điều tra) cao hơn giá bán nội địa bình quân là 3,5%. Tuy nhiên, MOE lại xác định mức độ phá giá của STK là 34,81%.

tin nhap 20160905081151

Hiện tại, STK đang chuẩn bị hồ sơ phản bác lại cách tính không hợp lý của MOE.

Thứ nhất, số liệu thống kê giai đoạn 2012 - 2014, các công ty sản xuất sợi DTY ở Thổ Nhĩ Kì vẫn hoạt động tốt, tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận đều đặn.

Thứ hai, MOE không hề đề cập tới các mối quan hệ nhân quả giữa hàng nhập khẩu Việt Nam vào thị trường Thổ Nhĩ Kì và việc các nhà sản xuất tại nước này bị thiệt hại. Việc không xác định mối quan hệ này gây nhầm lẫn và cản trở các công ty Việt Nam bảo vệ quyền lợi của mình.

Thứ ba, giá xuất khẩu của Việt Nam cao hơn 4% so với Thái Lan nhưng biên độ bán phá giá của Việt Nam lại được MOE xác định cao hơn Thái Lan.

Thứ tư, việc từ chối công nhận các nhà sản xuất sợi Việt Nam hoạt động theo cơ chế thị trường cần được xem xét lại khi nguyên liệu đầu vào để công ty Việt Nam sản xuất sợi DTF là PET - chip chiếm 75-80% giá thành được nhập khẩu từ Đài Loan và Hàn Quốc.

Thứ năm, cơ cấu giá thành sản xuất của Thổ Nhĩ Kì không thể lấy làm cơ sở đại diện cho Việt Nam. Thay vào đó, Thái Lan nên được chọn bởi những tương đồng về vị trí, chi phí vận chuyển... nếu Việt Nam không được xem là hoạt động theo cơ chế thị trường.

Thứ sáu, giá xuất khẩu của Việt Nam cao hơn Thái Lan 4%, nhưng biên độ bán phá giá lại bị xác định cao hơn rất nhiều so với doanh nghiệp nước này. Điều này cho thấy việc sử dụng Thổ Nhĩ Kì làm quốc gia đại diện để lấy số liệu so sánh là không hợp lý và không công bằng.

Thứ bảy, MOE sử dụng giá thành của một số nhà sản xuất Thổ Nhĩ Kì cộng với tỷ lệ lợi nhuận 10% để tính mức độ phá giá là không công bằng vì nhiều khoản mục chi phí bị loại trừ khỏi giá bán xuất khẩu của công ty Việt Nam, trong khi nó lại được giữ lại trong giá thành của công ty phía Thổ Nhĩ Kì.

Cũng theo STK, Cục quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương cũng đã khẳng định sẽ viết thư phản đối MOE, đồng thời cử lãnh đạo và chuyên gia tham dự phiên điều trần tổ chức vào các ngày 7/9 và 8/9 tại Ankara để bảo vệ công ty Việt Nam. Nếu MOE không điều chỉnh lại, Bộ Công thương có thể kiện MOE tại WTO.

Tỷ trọng đóng góp doanh thu của Thổ Nhĩ Kì trong 6 tháng đầu năm 2016 tại STK là 27%. Trong năm 2014 - 2015, tỷ lệ này lần lượt là 44% và 38%.

STK cũng cho biết kể từ khi Thổ Nhĩ Kì khởi xướng vụ kiện chống bán phá giá, STK đã điều chỉnh chiến lược kinh doanh, mở rộng thị trường mới như Hàn Quốc cũng như nghiên cứu các sản phẩm mới để hạn chế tác động từ thị trường này.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, STK thu về 663,51 tỷ đồng doanh thu và 32,12 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. So với kế hoạch năm, STK mới chỉ hoàn thành 40% mục tiêu doanh thu và 1/4 mục tiêu lợi nhuận.

Khổng Chiêm