FLC ‘kêu’ với Thủ tướng chuyện thiếu đất để làm nông nghiệp
Tập đoàn FLC sẽ 'rộng cửa' đầu tư cảng hàng không? | |
Chưa có kết luận về vi phạm pháp luật về thuế tại Tập đoàn FLC |
Sáng 30/7 tại Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc về các giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Cùng dự có các Phó Thủ tướng: Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng và khoảng 600 đại biểu là lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, chính trị-xã hội, cộng đồng doanh nghiệp…
Tại đây, nhiều doanh nghiệp bày tỏ mong muốn có chính sách thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao cho nông nghiệp; xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia về nông sản để bảo vệ người tiêu dùng cũng như bảo vệ các nhà sản xuất chân chính. Có doanh nghiệp đề xuất Nhà nước thành lập khu kinh tế quy mô lớn cho nông nghiệp.
Bà Hương Trần Kiều Dung – Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn FLC (Mã: FLC) cho biết tập đoàn FLC đang dự định bước chân vào lĩnh vực nông nghiệp nhưng gặp khó khăn lớn nhất là vấn đề quỹ đất làm nông nghiệp.
Sau khi đi khảo sát tại 40 tỉnh, thành phố về quy hoạch vùng nông nghiệp, đại diện FLC bày tỏ, vấn đề quỹ đất có khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Bà Dung nêu lên thực tế: Hiện nay Việt Nam có khoảng 82% diện tích đất làm nông nghiệp nhưng phần lớn quỹ đất đã được giao cho các hộ dân với quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Bởi vậy, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp sẽ gặp khó khăn về quỹ đất.
Bên cạnh đó, nhiều diện tích đất hiện nằm trong tay các nông, lâm trường nhưng các đơn vị này hoạt động không hiệu quả.
Bà Hương Trần Kiều Dung phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: FLC. |
Nhất trí với ý kiến của Tổng Giám đốc FLC, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, còn nhiều đất đai nhưng không tổ chức sản xuất trong khi nhiều nhà đầu tư thiếu đất đai. “Tổng Giám đốc FLC vừa phát biểu đất nông, lâm trường còn rất nhiều nhưng tổ chức sản xuất hiệu quả như thế nào, đó là câu hỏi tại hội nghị này các cấp chính quyền cần tính toán lại”. Thủ tướng nêu rõ, đất đai là "cần câu chứ không phải con cá" “để chúng ta sản sinh ra năng lực sản xuất mới cho sự phát triển”.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT tiếp thu các ý kiến phát biểu để hoàn thiện, trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị về thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Quang Hiếu/VGP. |
Theo Thủ tướng, việc hoàn thiện thể chế chính sách trong lĩnh vực này là yêu cầu cấp bách khi mà nông nghiệp còn dư địa phát triển rất lớn. Và nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam, từ các lĩnh vực như bất động sản… chuyển sang đầu tư vào nông nghiệp là xu hướng đáng mừng, thể hiện tiềm năng phát triển của nông nghiệp.
Tuy nhiên, Thủ tướng nhìn nhận, vẫn còn tồn tại, bất cập khi mà số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp mới chiếm 8%, đa phần có quy mô nhỏ, siêu nhỏ. Năng suất lao động trong nông nghiệp còn thấp. Còn một số hiện tượng như phá rừng làm cây công nghiệp, mua đi bán lại dự án nông nghiệp. Khâu chế biến sâu còn nhiều vấn đề.
Thủ tướng đề nghị, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cần chung sức để đưa Việt Nam vươn lên vị trí hàng đầu thế giới về nông sản.
“Tại hội nghị này, tôi đặt hàng cho ngành nông nghiệp trong 10 năm tới phải đứng vào tốp 15 các nước phát triển nhất thế giới, trong đó lĩnh vực chế biến nông sản đứng vào tốp 10 thế giới. Nông nghiệp Việt Nam là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới, là một trung tâm logistics của thương mại nông sản toàn cầu”.
Để hiện thực hóa tầm nhìn trên, Thủ tướng cho rằng, cốt lõi là sự phát triển của các DN đầu tư trong ngành nông nghiệp. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện tốt Nghị định 57 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vừa ban hành tháng 4/2018.