|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tập đoàn FLC sẽ 'rộng cửa' đầu tư cảng hàng không?

23:52 | 26/07/2018
Chia sẻ
Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch FLC cho rằng doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không thì không được đầu tư cảng hàng không. Tuy nhiên đại diện đến từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng quy định đó đã hết hiệu lực và ông Quyết cần cập nhật quy định mới nhất.
tap doan flc se rong cua dau tu cang hang khong Ông Trịnh Văn Quyết: FLC đã chốt xong hợp đồng mua 20 máy bay Boeing, Bamboo Airways sẽ có đường bay đến Pháp, Mỹ
tap doan flc se rong cua dau tu cang hang khong Ông Trịnh Văn Quyết: Nhà đầu tư tin tôi đi, cầm cổ phiếu FLC sẽ có ngày hái quả!

Tại Hội thảo “Phát triển hàng không - Chắp cánh du lịch Việt Nam” tổ chức chiều 26/7, ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch CTCP Tập đoàn FLC – công ty mẹ của Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) được hỏi về kế hoạch của FLC trong việc đầu tư phát triển cảng hàng không cũng như những kiến nghị của FLC về mặt cơ chế chính sách có thể tham gia cải thiện hạ tầng hàng không.

Ông Quyết khẳng định FLC rất muốn đầu tư cảng hàng không để đáp ứng yêu cầu về hạ tầng trong tương lai. Tuy nhiên theo hiểu biết của ông, pháp luật có quy định một doanh nghiệp đầu tư vận tải hàng không rồi thì không được phép đầu tư cảng hàng không.

Nếu quy định bất cập này được sửa đổi, FLC sẽ sẵn sàng tham gia đầu tư cảng hàng không để phục vụ không chỉ các hãng hàng không trong nước mà cả các hãng quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, ông Quyết cho hay.

tap doan flc se rong cua dau tu cang hang khong
Ông Trịnh Văn Quyết phát biểu tại Hội thảo “Phát triển hàng không - Chắp cánh du lịch Việt Nam”. Ảnh: Hoành Xa.

Cũng có mặt tại Hội thảo, ông Đỗ Đức Tú - Vụ Kết cấu hạ tầng đô thị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập tức lên tiếng trả lời băn khoăn của Chủ tịch Tập đoàn FLC:

“Trước đây tại Nghị định 102 Chính phủ quy định các hãng hàng không chỉ được phép đầu tư tối đa 30% vốn của một doanh nghiệp cảng hàng không. Hiện tại Nghị định 92/2016 không có quy định này. Vì vậy anh Quyết hoàn toàn có thể lập dự án và đầu tư cảng hàng không”.

tap doan flc se rong cua dau tu cang hang khong
Ông Đỗ Đức Tú, Vụ Kết cấu hạ tầng đô thị. Ảnh: BizLive

Trước thông tin này, ông Trịnh Văn Quyết tỏ ra rất phấn khởi, đồng thời thanh minh: Tôi nghe thông tin “doanh nghiệp hàng không thì không được làm cảng” từ cuộc làm việc với Bộ Giao thông Vận tải và lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cách đây không lâu. Cả lãnh đạo Bộ và tỉnh đều trả lời tôi rằng “Đã làm hàng không thì không được làm cảng”. Có thể tôi không kịp cập nhật. Nay Bộ Kế hoạch Đầu tư đã nói như vậy, có dẫn chiếu quy định cụ thể, chúng tôi rất mừng và FLC sẽ quan tâm và đầu tư vào cảng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Khoản 9, Điều 37, Nghị định 102/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay quy định:

Điều 37. Vốn tối thiểu đối với việc thành lập và duy trì điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp cảng hàng không, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay

9. Các hãng hàng không không được chiếm quá 30% tỷ lệ vốn điều lệ đối với:

a) Doanh nghiệp cảng hàng không;

b) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khai thác nhà ga hành khách hoặc nhà ga hàng hóa.

Tuy nhiên quy định này sau đó bị bãi bỏ bởi Điểm b, Khoản 2, Điều 31, Nghị định 92/2016/NĐ-CP Quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

Điều 31. Hiệu luật thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.

2. Nghị định này bãi bỏ:

a) Điều 5 đến Điều 19 Nghị định số 30/2013/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung;

b) Điều 36, Điều 37, khoản 1 Điều 38, khoản 1, 2 Điều 39 Nghị định số 102/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay.

Vì đây mà FLC chưa được cấp phép đầu tư BOT cảng hàng không Đồng Hới?

Tháng 4 vừa qua Tập đoàn FLC vừa gửi công văn tới Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Bình, với mong muốn được tham gia đầu tư xây dựng, nâng cấp sân bay quốc tế Đồng Hới theo hình thức BOT để tăng công suất lên 3 triệu hành khách/năm.

UBND tỉnh Quảng Bình sau đó đã có công văn số 533/UBND-KTTH đồng ý chủ trương để Tập đoàn FLC đầu tư, nâng cấp sân bay Đồng Hới thành sân bay quốc tế theo hình thức đối tác công tư PPP. Công văn nêu rõ:

“Cảng Hàng không Đồng Hới là đơn vị thuộc Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam, trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải. Do đó, UBND tỉnh Quảng Bình đề nghị Tập đoàn FLC làm việc cụ thể với Bộ Giao thông Vận tải, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam; UBND tỉnh Quảng Bình sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để Tập đoàn FLC triển khai thực hiện dự án”.

Chiều 2/5, Bộ Giao thông vận tải đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Cục Hàng không Việt Nam, Tập đoàn FLC cùng các đơn vị liên quan để bàn về đề xuất đầu tư xây dựng nâng cấp sân bay Đồng Hới.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ phát biểu “Đối với sân bay Đồng Hới, việc đầu tư đồng bộ, không phân kì là điều cần thiết”.

Tuy nhiên đến nay, Tập đoàn FLC chưa được cấp phép đầu tư và dự án nâng cấp cảng hàng không Đồng Hới vẫn chưa được khởi công.

Xem thêm

Hoành Xa