|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cổ phiếu giảm sâu, lãnh đạo đau đầu

07:30 | 11/07/2018
Chia sẻ
Việc giá cổ phiếu giảm sâu không chỉ làm "bốc hơi" hàng nghìn tỷ đồng tài sản của lãnh đạo mà còn khiến huy động vốn trên thị trường chứng khoán trở thành "nhiệm vụ bất khả thi", ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
co phieu giam sau lanh dao dau dau Cổ phiếu ngân hàng chi phối VN-Index như thế nào?
co phieu giam sau lanh dao dau dau Lãnh đạo trấn an cổ đông: Một cánh én nhỏ khó làm nên mùa xuân

Tài sản cá nhân không cánh mà bay

Sau thông tin một số doanh nghiệp sản xuất thép tại Mỹ nộp đơn yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ điều tra và áp dụng thuế chống bán phá giá (CBPG) và thuế chống trợ cấp đối với một số sản phẩm thép được nhập khẩu từ Việt Nam, giá cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Thép Hòa Phát giảm gần 19% về mức 35.700 đồng/cp trong vòng 1 tháng qua.

Là người sở hữu hơn 534 triệu cổ phiếu HPG, tương đương 25,15% vốn, tài sản trên sàn chứng khoán của Chủ tịchTrần Đình Long đã bay hơi trên 4.400 tỷ đồng, hiện còn khoảng 19.064 tỷ đồng, tương đương 830 triệu USD. Như vậy, sau một tháng giảm của HPG, ông Long không còn nằm trong danh sách tỷ phú USD chứng khoán Việt Nam.

co phieu giam sau lanh dao dau dau Phó chủ tịch Hiệp hội thép: Không nên quá lo ngại khả năng Mỹ điều tra lẩn tránh thuế đối với thép

Trong hoàn cảnh tương tự có ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch CTCP Tập đoàn FLC (Mã: FLC) và CTCP Xây dựng FLC Faros (Mã: ROS). Ông Quyết hiện nắm giữ 21,2% cổ phần FLC, 67,34% cổ phần ROS và 8,47% cổ phần ART của CTCP Chứng khoán Artex.

Cuối 2017, ông Quyết từng là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với quy mô tài sản vốn hóa đạt 58.851 tỷ đồng, vượt lên những tên tuổi lớn như Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, ông Trần Đình Long của Hòa Phát và Tổng Giám đốc Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo.

Tuy nhiên giá các cổ phiếu do ông Quyết nắm giữ đều giảm mạnh với đầu năm, FLC giảm 24%, ART giảm 28% và ROS – cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong khối tài sản của ông Quyết - giảm mạnh nhất với tỷ lệ 71%. Kết phiên 9/7, giá trị chứng khoán của ông Quyết ước khoảng 16.500 tỷ đồng (khoảng 720 triệu USD) – còn chưa đầy 1/3 so với đầu năm.

co phieu giam sau lanh dao dau dau
Biến động giá cổ phiếu FLC, ROS và ART từ đầu năm đến nay. Nguồn: VNDIRECT.

Các “nữ tướng” cũng không tránh khỏi thiệt hại. Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung sở hữu 9,22% cổ phần của CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận mất xấp xỉ 600 tỷ đồng trong tháng qua khi giá cổ phiếu PNJ sụt giảm gần 33% giá trị sau thông tin một cựu Ủy viên HĐQT của PNJ bị bắt vì liên quan đến vụ án tại Ngân hàng Đông Á.

Tài sản chứng khoán của “Nữ hoàng cá tra” Trương Thị Lệ Khanh – chủ tịch HĐQT CTCP Vĩnh Hoàn (Mã:VHC) – cũng bốc hơi gần 27%, tương đương hơn 800 tỷ đồng khi giá cổ phiếu VHC lao dốc từ 77.800 đồng/cp hồi cuối tháng 4 xuống 57.000 đồng/cp kết phiên 9/7.

Huy động vốn - nhiệm vụ khó khả thi

Giá cổ phiếu xuống thấp không chỉ làm giảm giá trị tài sản của lãnh đạo mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới việc huy động vốn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Mới đây, CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico – Mã: HNG) công bố kết quả chào bán trái phiếu chuyển đổi cho cổ đông hiện hữu. Theo đó, công ty chỉ phát hành được vỏn vẹn 22 trái phiếu và thu về 220 triệu đồng, chưa bằng 0,01% kế hoạch huy động 2.217 tỷ đồng.

Đây là trái phiếu bắt buộc chuyển đổi, không có tài sản bảo đảm, kỳ hạn 1 năm và lãi suất 0%. Sau 1 năm, giá chuyển đổi sang cổ phiếu là 10.000 đồng/cp – xấp xỉ thị giá cổ phiếu HNG trong giai đoạn công ty chào bán trái phiếu. Thế nên dễ hiểu vì sao trái phiếu chuyển đổi của HAGL Agrico kém hấp dẫn nhà đầu tư.

co phieu giam sau lanh dao dau dau
Giá cổ phiếu HNG giao dịch quanh mức 10.000 đồng/cp khiến cho trái phiếu chuyển đổi của HAGL Agrico kém hấp dẫn. Nguồn: VNDIRECT.

HAGL Agrico dự kiến số tiền dự kiến thu được từ đợt phát hành sẽ được sử dụng vào việc đầu tư trồng mới và chăm sóc cây ăn trái (1.137 tỷ đồng) và tái cơ cấu tài chính (1.080 tỷ đồng).

co phieu giam sau lanh dao dau dau Gom vốn cho chuối, ớt và trả nợ, trái phiếu chuyển đổi công ty của bầu Đức ‘ế’ nặng

Nay không huy động được vốn từ trái phiếu, lấy tiền ở đâu để thực hiện hai hoạt động trên là một bài toán khó mà Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức buộc phải tìm lời giải, nhất là khi HAGL Agrico được ông Đức coi là trụ cột của HAGL. “HAGL Agrico sống thì HAGL mới sống”, ông Đức nói tại Đại hội cổ đông HAGL Agrico.

co phieu giam sau lanh dao dau dau
(Minh họa: Chu Toàn).

Cũng trong cảnh “đau đầu vì giảm sâu” là Chủ tịch Trịnh Văn Quyết của Tập đoàn FLC và công ty FLC Faros. Ông Quyết từng tuyên bố với báo giới rằng ông không đo đếm tài sàn của mình, không quan tâm mình giàu thứ bao nhiêu trên sàn chứng khoán và rằng ông chỉ vui khi hoạt động kinh doanh của công ty khởi sắc.

Tuy nhiên, cả hai công ty do ông làm chủ tịch HĐQT đều có kế hoạch phát hành 300 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (CĐHH) trong năm nay. Và giá cổ phiếu giảm sâu khiến cho kế hoạch này ngày càng khó khăn.

FLC muốn phát hành cổ phần với giá 10.000 đồng/cp để huy động khoảng 3.000 tỷ đồng vốn đầu tư cho Quần thể FLC Quảng Bình. Tuy nhiên giá cổ phiếu FLC thời điểm đầu tháng 7 chưa tới 5.000 đồng/cp, tức chưa bằng một nửa giá chào bán dự kiến.

Năm 2016, FLC từng chào bán gần 180 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá cao hơn thị giá khoảng 40%. Kết quả CĐHH chỉ mua khoảng 13% khối lượng trên. Sau đó tuy được một số nhà đầu tư cá nhân tham gia “giải cứu” nhưng FLC chỉ phát hành được tổng cộng 60% lượng cổ phiếu dự kiến.

co phieu giam sau lanh dao dau dau FLC phát hành 300 triệu cổ phiếu gấp đôi thị giá, ai sẽ mua?

Còn công ty FLC Faros lại có kế hoạch phát hành 300 triệu cổ phiếu cho CĐHH với giá 12.000 đồng/cp để huy động khoảng 3.600 tỷ đồng. Trong đó, Faros sẽ dùng tối đa 3.000 tỷ đồng để đầu tư Dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng tại đảo Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Dự án 10.000 tỷ đồng này do Faros làm tổng thầu xây dựng, FLC làm chủ đầu tư. Số vốn còn lại từ đợt phát hành sẽ được dùng để bổ sung vốn lưu động.

Tại ngày đại hội cổ đông thường niên 2018 của Faros (ngày 2/4), thị giá cổ phiếu ROS khoảng 144.000 đồng/cp, cao gấp 12 lần mức giá chào bán dự kiến. Trước thắc mắc của cổ đông về giá chào bán quá rẻ, ông Quyết giải thích: "Công ty có sự ghi nhận về sự tin tưởng vào Faros của cổ đông chiến lược, cổ đông dài hạn".

Tuy nhiên sau đó giá cổ phiếu ROS liên tục lao dốc, kết phiên ngày 9/7 chỉ còn 41.400 đồng/cp. Mức giá 12.000 đồng/cp từng được cho là quá hời thì giờ đây đã kém hấp dẫn đi rất nhiều.

Xem thêm


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Kiên Dương

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.