FLC muốn tăng vốn điều lệ cho Bamboo Airways lên 1.300 tỷ đồng
Bamboo Airways lùi ngày cất cánh sang 10/10, thưởng cho ai đoán đúng lý do vì sao | |
Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư Bamboo Airways |
Công ty TNHH hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) là công ty con do CTCP Tập đoàn FLC (Mã: FLC) sở hữu 100%, hiện có vốn điều lệ 700 tỷ đồng.
Hôm 9/7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) tại Cảng hàng không Phù Cát, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định với tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nghị quyết HĐQT tập đoàn FLC công bố sáng nay 13/7 thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ cho Bamboo Airways lên 1.300 tỷ đồng. Số vốn tăng thêm từ nguồn vốn góp của chủ sở hữu - Tập đoàn FLC.
Theo quy định tại Điều 8, Nghị định số 92/2016/NĐ-CP quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng, 1.300 tỷ đồng là mức vốn tối thiểu để thành lập và duy trì doanh nghiệp khai thác trên 30 tàu bay, trong đó có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế.
Trong nửa đầu năm nay, Tập đoàn FLC đã ký các thỏa thuận mua 24 máy bay Airbus A321NEO và 20 máy bay Boeing 787-9 Dreamliner. Chủ tịch Tập đoàn FLC ông Trịnh Văn Quyết từng khẳng định Bamboo Airways định hướng khai thác cả các tuyến nội địa cũng như quốc tế, bao gồm việc nghiên cứu mở đường bay thẳng Việt – Mỹ.
Trong năm 2018, đội bay của Bamboo Airways dự kiến bao gồm 10 chiếc do hãng đi thuê.
Cũng trong sáng 13/7, trang Facebook chính thức của Bamboo Airways đăng thông báo cho hay ngày dự kiến cất cánh chuyến bay đầu tiên của hãng là 10/10.
Điều 8. Điều kiện về vốn (Nghị định số 92/2016/NĐ-CP quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng): 1. Mức vốn tối thiểu để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không: a) Khai thác đến 10 tàu bay: 700 tỷ đồng Việt Nam đối với doanh nghiệp có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế; 300 tỷ đồng Việt Nam đối với doanh nghiệp chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa; b) Khai thác từ 11 đến 30 tàu bay: 1.000 tỷ đồng Việt Nam đối với doanh nghiệp có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế; 600 tỷ đồng Việt Nam đối với doanh nghiệp chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa; c) Khai thác trên 30 tàu bay: 1.300 tỷ đồng Việt Nam đối với doanh nghiệp có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế; 700 tỷ đồng Việt Nam đối với doanh nghiệp chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa. 2. Mức vốn tối thiểu để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh hàng không chung: 100 tỷ đồng Việt Nam. |