|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hé lộ kế hoạch kinh doanh tham vọng của Bamboo Airways

23:22 | 27/07/2018
Chia sẻ
Dự kiến năm 2023, Bamboo Airways sẽ có tổng doanh thu 931,5 triệu USD, lợi nhuận trước thuế 59 triệu USD, phục vụ 50 triệu lượt hành khách.
he lo ke hoach kinh doanh tham vong cua bamboo airways Bamboo Airways cần có nguồn lực đủ mạnh từ những mảng khác để hỗ trợ trong giai đoạn đầu
he lo ke hoach kinh doanh tham vong cua bamboo airways Xuất hiện website giả mạo đưa tin về giá vé của Bamboo Airways

Tại hội thảo “Phát triển hàng không - Chắp cánh du lịch Việt Nam” tổ chức chiều 26/7, ông Đặng Tất Thắng –Tổng Giám đốc Bamboo Airways đã lần đầu tiên có bài trình bày tương đối chi tiết về kế hoạch kinh doanh của hãng trong những năm tới. Trong phần thảo luận tại hội thảo, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC - công ty mẹ của Bamboo Airways, cũng cung cấp thêm nhiều thông tin liên quan.

Định hướng sản phẩm, dịch vụ

Ông Thắng cho biết Bamboo Airways sẽ có 4 loại vé là:

Bamboo Eco: Khách hàng mua loại vé này sẽ nhận được đầy đủ các dịch vụ hàng không thông thường, ngoại trừ dịch vụ ký gửi hành lý. Theo ông Thắng, sản phẩm này xuất phát từ thực tế với những chuyến bay ngắn dưới 2 giờ đồng hồ, rất ít hành khách có nhu cầu ký gửi hành lý và do vậy, loại vé này giúp hành khách tiết kiệm một khoản chi phí.

Bamboo Plus: Ông Thắng so sánh hạng vé này của Bamboo Airways tương tự như hạng Economy của Vietnam Airlines, tức là bao gồm đầy đủ các dịch vụ, kể cả hành lý ký gửi.

Bamboo Business: Hạng Thương gia, với nhiều dịch vụ cao cấp

Bamboo First: Bamboo Airways đặt mục tiêu là hãng hàng không Việt Nam đầu tiên cung cấp dịch vụ bay First Class cho hành khách có nhu cầu. Dự kiến dịch vụ này sẽ được cung cấp từ năm 2020 khi hãng nhận máy bay Boeing 787-9 Dreamliners.

he lo ke hoach kinh doanh tham vong cua bamboo airways
Ông Đặng Tất Thắng trình bày về Định hướng sản phẩm, dịch vụ của hãng. Hình phía trên là mô phỏng khu vực ghế ngồi của vé Bamboo Business. Ảnh: Song Ngọc.

Những thông tin này có vẻ mâu thuẫn với định hướng “chất lượng dịch vụ 5 sao” mà các lãnh đạo của FLC và Bamboo Airways vẫn thường nhắc tới, vì hạng vé phổ biến nhất là Bamboo Eco và Bamboo Plus sẽ có dịch vụ tương đương với hạng Economy của Vietnam Airlines – một hãng hàng không truyền thống. Giữa hàng không truyền thống và hàng không 5 sao có khoảng cách rất xa.

Đội tàu bay

Ông Thắng cho biết trong năm 2018, Bamboo Airways sẽ khai thác 20 chiếc tàu bay Airbus A320.

he lo ke hoach kinh doanh tham vong cua bamboo airways
Ảnh: Song Ngọc

Về phần mình, ông Trịnh Văn Quyết tự tin khẳng định đây chính là điểm làm nên sự khác biệt của Bamboo Airways với các hãng khác. Theo ông Quyết, FLC không làm từ nhỏ đến lớn mà quyết tâm ngay trong năm đầu tiên phải khai thác vài chục chiếc tàu bay, để hành khách và người dân không lo thiếu chỗ. Các hãng hàng không “chết yểu” trước đây đa phần là do chỉ vận hành từ 1 đến 3 chiếc máy bay.

Bước sang năm 2020, đội bay sẽ tăng lên bao gồm 40 chiếc A320 và A321 cùng với 20 chiếc Boeing B787-9.

Định hướng đến năm 2022, Bamboo Airways sẽ có 60 chiếc A320 và A321 cùng 40 chiếc Boeing B787-9.

Trước đó hôm 3/7, trả lời phỏng vấn báo Nikkei, ông Thắng cho biết đội bay năm 2018 sẽ chỉ bao gồm 10 chiếc Airbus được thuê. Chỉ sau 3 tuần con số dự kiến này đã tăng gấp đôi!

Phát triển mạng đường bay

Trong năm 2019, Bamboo Airways sẽ khai thác 37 đường bay kết nối các tỉnh, thành phố lớn và điểm đến du lịch tại Việt Nam, ưu tiên những địa điểm có quần thể du lịch của FLC.

Đến năm 2020, ngoài tiếp tục khai thác và tăng tần suất các đường bay nội địa, Bamboo Airways dự kiến sẽ mở rộng khai thác các đường bay quốc tế đến các nước Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Châu Âu, Mỹ, …

Ông Thắng chia sẻ thêm, hãng đang nghiên cứu để mở đường bay thẳng từ TP HCM đến Los Angeles của Mỹ.

Dự kiến ngày 2/9 tới đây, Bamboo Airways sẽ mở bán các sản phẩm đầu tiên gồm gói nghỉ dưỡng tại FLC kết hợp bay Bamboo Airways. Ngày 10/10, hãng dự kiến sẽ bay chuyến đầu tiên. Chủ tịch Trịnh Văn Quyết tiết lộ, chuyến bay đầu tiên của Bamboo Airways sẽ bay từ Hà Nội đến Quy Nhơn hoặc TP HCM - Quy Nhơn hoặc ngược lại.

Theo ông Trịnh Văn Quyết, các hãng hàng không hiện nay quá tập trung vào những đường bay vàng, siêu lợi nhuận như đường bay Hà Nội - TP HCM, gây quá tải cho 2 sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất trong khi nhiều sân bay khác không dùng hết công suất. Hành khách ở một tỉnh phía bắc muốn tới một tỉnh phía nam nhất thiết phải tới sân bay Nội Bài mới có chuyến bay và ngược lại, hành khách ở một tỉnh phía nam muốn bay ra miền bắc nhất thiết phải di chuyển tới sân bay Tân Sơn Nhất.

Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho mặc dù số lượng sân bay của Việt Nam không hề nhỏ nhưng một số sân bay đang bị quá tải, trở thành điểm nghẽn của hạ tầng hàng không.

Sau khi hoạt động, FLC dự kiến sẽ khai thác các đường bay nối thẳng nhiều địa phương với nhau như Thanh Hóa – Quy Nhơn hay Quảng Bình – Quy Nhơn mà không thông qua các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất.

he lo ke hoach kinh doanh tham vong cua bamboo airways
Ông Trịnh Văn Quyết trao đổi tại Hội thảo. Ảnh: Song Ngọc.

Các chỉ tiêu hoạt động kinh doanh

Mục tiêu đến năm 2023, Bamboo Airways đạt tổng doanh thu 931,5 triệu USD (khoảng trên 21.000 tỷ đồng), lợi nhuận trước thuế 59 triệu USD (gần 1.400 tỷ đồng), sử dụng 900 lao động, vận chuyển 50 triệu lượt hành khách, tốc độ tăng trưởng bình quân 100%/năm.

he lo ke hoach kinh doanh tham vong cua bamboo airways
Ảnh: Song Ngọc.

Để so sánh, CTCP Hàng không Vietjet (Vietjet Air) hoạt động bay thương mại từ năm 2012. Sau 5 năm, đến năm 2017 hãng này đạt tổng doanh thu thuần 42.258 tỷ đồng (trong đó doanh thu vận chuyển hàng không đạt 22.577 tỷ đồng), lợi nhuận trước thuế gần 4.755 tỷ đồng, đội bay gồm 51 tàu bay Airbus A320 và A321, vận chuyển hơn 17,11 triệu hành khách và có 3.162 nhân viên

Như vậy, mục tiêu tổng doanh thu của Bamboo Airways năm 2023 xấp xỉ doanh thu vận chuẩn hàng không của Vietjet Air năm 2017, nhưng quy mô đội tàu bay lớn gấp đôi (100 chiếc so với 51 chiếc), lượng hành khách lớn gấp 3 (50 triệu so với 17 triệu) và số nhân viên chỉ bằng khoảng 1/3 (900 so với 3.162)!

Vietnam Airlines năm 2017 có đội tàu bay gần 100 chiếc nhưng cũng chỉ vận chuyển được 22 triệu lượt khách, chưa bằng một nửa con số dự tính của Bamboo Airways cho năm 2023.

he lo ke hoach kinh doanh tham vong cua bamboo airways
Minh họa: Chu Toàn

Còn đó những câu hỏi

Tại hội thảo, cả ông Trịnh Văn Quyết và ông Đặng Tất Thắng đều tỏ ra rất tự tin và chắc chắn về triển vọng hoạt động của Bamboo Airways với những phát ngôn như: “Chắc chắn 100% sẽ thành công”, “Không có lý do gì Bamboo Airways lại không thành công” …

Tuy nhiên người nghe vẫn còn không ít những nghi ngại về kế hoạch kinh doanh của hãng.

Lo lắng lớn nhất và hiển nhiên nhất là tới nay Bamboo Airways vẫn chưa được Bộ Giao thông vận tải cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng không. Liệu hãng có nhận được giấy phép để cất cánh vào ngày 10/10 năm nay như dự định?

Thứ hai, theo quy định tại Nghị định 92/2016/NĐ-CP, để khai thác trên từ 11 đến 30 tàu bay để vận chuyển hàng không quốc tế, doanh nghiệp phải có vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng thay vì chỉ 700 tỷ đồng đối với hãng khai thác không quá 10 tàu bay.

Vừa qua, hội đồng quản trị của FLC đã thông qua chủ trương tăng vốn cho Bamboo Airways lên 1.300 tỷ đồng tuy nhiên đó mới là trên giấy tờ. Nếu không tăng vốn kịp, Bamboo Airways sẽ không thể vận hành hết số máy bay như dự kiến.

Chưa kể, theo Quyết định 836/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Tre Việt, tổng vốn đầu tư Dự án là 700 tỷ đồng, quy mô Dự án đến năm 2023 là 10 tàu bay loại A320/A321 hoặc B737.

Nay FLC muốn tăng vốn đầu tư và quy mô đội tàu bay cũng như loại máy bay (Boeing 787-9 Dreamliners), liệu FLC có cần đợi Thủ tướng chính phủ ra quyết định mới thay thế Quyết định 836 kể trên? Trước đây, quá trình thẩm định hồ sơ để cho ra Quyết định 836 kéo dài nhiều tháng liền.

Thứ ba, FLC lấy nguồn tài chính ở đâu để thực hiện các thương vụ mua máy bay với tổng giá trị 8,7 tỷ USD? Trả lời phỏng vấn của phóng viên, ông Đặng Tất Thắng chỉ nói rằng FLC đã chuẩn bị sẵn nguồn tài chính, và nghiệp vụ bán và thuê lại (sale and leaseback) cũng là một sự lựa chọn mà FLC đang xem xét. Có thể ông Thắng không muốn tiết lộ “bí mật kinh doanh” của mình nhưng vô hình chung điều này khiến cổ đông, khách hàng có phần bất an.

Chưa kể, theo nhẩm tính của ông Trịnh Văn Quyết ngay tại hội thảo, chi phí thuê một chiếc máy bay Airbus mà sắp tới FLC phải trả là khoảng 400.000 – 500.000 USD (10 tỷ đồng)/tháng. Với đội bay 20 chiếc, chỉ riêng tiền thuê là 200 tỷ đồng/tháng hay 2.400 tỷ đồng/năm. Đây là một con số không hề nhỏ, bằng 21% tổng doanh thu (11.645 tỷ đồng) và gấp hơn 4 lần lợi nhuận trước thuế (551 tỷ đồng) của cả tập đoàn FLC trong năm 2017.

Và cuối cùng là những biến động bất thường mà không ai lường trước được như biến động giá nhiên liệu, khủng bố, ... Khi lập kế hoạch, ai cũng tự tin là mình sẽ có lãi, sẽ thành công nhưng thực tế thì không phải ai cũng được như vậy.

Xem thêm

Song Ngọc