|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Doanh nghiệp tạo Tác động Xã hội (Social Impact Business - SIB) là gì? Các khu vực SIB

16:20 | 25/03/2020
Chia sẻ
Doanh nghiệp tạo Tác động Xã hội (tiếng Anh: Social Impact Business - SIB) là tổ chức ở đó hoạt động thương mại và cam kết tạo tác động tích cực lên xã hội/môi trường là hai nguyên lí trung tâm của chiến lược vận hành tổ chức.
Doanh nghiệp tạo Tác động Xã hội (Social Impact Business - SIB) là gì? Các khu vực SIB - Ảnh 1.

Hình minh hoạ (Nguồn: doanhnhansaigon)

Doanh nghiệp tạo Tác động Xã hội

Khái niệm

Doanh nghiệp tạo Tác động Xã hội trong tiếng Anh được gọi là Social Impact Business - SIB.

Doanh nghiệp tạo Tác động Xã hội là tổ chức ở đó hoạt động thương mại và cam kết tạo tác động tích cực lên xã hội/môi trường là hai nguyên trung tâm của chiến lược vận hành tổ chức. 

Việc cân bằng giữa mục tiêu xã hội/môi trường với mô hình thương mại cho phép loại hình tổ chức này có thể giải quyết các thách thức xã hội và môi trường một cách bền vững.

Đặc điểm

SIB có các đặc điểm sau:

- Mô hình quản trị: Có thể là tổ chức hoặc doanh nghiệp;

- Hoạt động thương mại: Kinh doanh là nguồn thu nhập chính;

- Mục tiêu xã hội: Có mục tiêu xã hội và/hoặc mục tiêu môi trường rõ ràng;

- Tạo giá trị: Hướng tới sự cân bằng trong việc tạo ra giá trị: tạo tác động tích cực lên xã hội đồng thời duy trì tài chính bền vững.

Khu vực SIB

Khu vực SIB bao gồm:

- Doanh nghiệp xã hội

Một doanh nghiệp với mục tiêu xã hội là chính yếu, lợi nhuận chủ yếu được tái đầu tư lại cho doanh nghiệp để phục vụ mục tiêu đó hoặc quay lại cộng đồng, thay vì bị thúc đẩy bởi nhu cầu tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông và chủ sở hữu.

Nhóm này có xu hướng là các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ, có nguồn thu nhập hỗn hợp từ thương mại và các khoản tài trợ.

- Kinh doanh xã hội

Kinh doanh xã hội là hoạt động kinh doanh được thúc đẩy bằng lòng tốt. Các nhà đầu tư/chủ sở hữu có thể dần lấy lại khoản đầu tư, nhưng cổ tức được trả không thể nhiều hơn khoản đã đầu tư. 

Doanh nghiệp phải chi trả được mọi chi phí và có lãi, đồng thời đạt được mục tiêu xã hội. Tiêu chí đo lường thành công của loại hình này là tác động của kinh doanh lên xã hội và môi trường, thay vì lợi nhuận được tạo ra.

- Kinh doanh với người có thu nhập thấp

Mô hình kinh doanh tạo ra tác động lớn thông qua: 

+ Cải thiện khả năng tiếp cận hàng hóa và dịch vụ cho người có thu nhập thấp; 

+ Tạo cơ hội thu nhập và/hoặc việc làm cho người thu nhập thấp trở thành nhà cung cấp, nhà phân phối, người sử dụng lao động và/hoặc nhân viên của doanh nghiệp. 

Nhóm này có xu hướng thương mại, qui mô vừa và lớn, thu thút được nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ từ các ngân hàng phát triển.

- Khởi nghiệp tạo tác động xã hội

Sáng kiến, doanh nghiệp khởi nghiệp có giải pháp đổi mới, dựa trên công nghệ, giải quyết vấn đề xã hội, môi trường hoặc tạo tác động xã hội, môi trường. 

Nhóm này có thể là một phần của khu vực sáng tạo xã hội, và thường thu hút được sự quan tâm của các quĩ đầu tư tác động.

(Tài liệu tham khảo: Thúc đẩy Phát triển Khu vực Doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam, PGS. TS. Trương Thị Nam Thắng, Giám đốc Trung tâm Sáng tạo Xã hội và Khởi nghiệp (CSIE), Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, 2018)

Diệu Nhi