|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Người làm phát triển cộng đồng (Community Developer) là ai? Vai trò

15:18 | 25/03/2020
Chia sẻ
Người làm phát triển cộng đồng (tiếng Anh: Community Developer) là người triển khai hoạt động phát triển cộng đồng ở các địa phương.
Người làm phát triển cộng đồng (Community Developer) là ai? Vai trò - Ảnh 1.

Hình minh hoạ (Nguồn: cmnty)

Người làm phát triển cộng đồng

Khái niệm

Người làm phát triển cộng đồng trong tiếng Anh được gọi là Community Developer.

Người làm phát triển cộng đồng là người triển khai hoạt động phát triển cộng đồng ở các địa phương.

Người làm phát triển cộng đồng là cầu nối giữa người dân, tổ chức tại địa phương với các tổ chức, cá nhân bên ngoài.

Người làm phát triển cộng đồng là người khởi xướng để thúc đẩy người dân địa phương trong các hoạt động:

- Xác định nhu cầu phát triển cộng đồng;

- Lập kế hoạch phát triển;

- Triển khai, giám sát, điều chỉnh;

- Đánh giá kết quả;

- Nhân rộng mô hình;

- Đề xuất phát triển chính sách.

Vai trò của Người làm phát triển cộng đồng

- Vai trò xúc tác: tập hợp người dân để họ chia sẻ thông tin, bàn bạc đi đến quyết định và cùng nhau hành động, giải quyết các vấn đề của địa phương.

- Vai trò biện hộ: đại diện cho tiếng nói của người dân, cộng đồng gửi đến cơ quan, các cấp thẩm quyền những vấn đề bức xúc của người dân và kêu gọi người khác hưởng ứng nhằm tạo ra chuyển biến về nhận thức, hoặc sự hỗ trợ tích cực hơn cho các đối tượng thiệt thòi. 

Ví dụ: biện hộ cho việc chăm sóc bảo vệ trẻ em bị lạm dụng lao động.

- Vai trò nghiên cứu: cùng với những thành viên nòng cốt trong cộng đồng thu thập, tìm hiểu và phân tích các điểm mạnh, điểm yếu, vấn đề, tiềm năng trong cộng đồng và giúp cộng đồng xây dựng các chương trình hành động cụ thể. Ví dụ: xây dựng hoạt động chăm sóc người già không nơi nương tựa trong cộng đồng.

- Vai trò huấn luyện: bồi dưỡng các nhóm trong cộng đồng hiểu rõ về mục đích, chiến lược của các chương trình phát triển; Bồi dưỡng năng làm việc nhóm, năng tổ chức và quản lí.

Chú ý bồi dưỡng các giá trị, thái độ hợp tác và tôn trọng sự tham gia, sự tự quyết của người dân; 

Tinh thần cởi mở, học hỏi và phát huy kinh nghiệm tốt của cộng đồng giúp cán bộ phát triển cộng đồng trở thành người huấn luyện song hành với cộng đồng chứ không phải là thầy giáo của cộng đồng.

- Vai trò lập kế hoạch: các chương trình hành động cần được bàn bạc và sắp đặt một cách có hệ thống, có tính toán, có chỉ báo để đo lường được những mục đích mong muốn. Trao đổi lẫn nhau sẽ học hỏi được các tiến trình hoạch định và thi hành những quyết định do chính cộng đồng đề ra.

(Tài liệu tham khảo: Sổ tay Hướng dẫn Phát triển cộng đồng, Chủ biên PGS.TS. Lê Văn An, TS. Ngô Tùng Đức, NXB Thanh Niên, 2016)

Diệu Nhi