|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Đấu thầu cạnh tranh (Competitive Bidding) là gì?

12:55 | 12/10/2019
Chia sẻ
Đấu thầu cạnh tranh (tiếng Anh: Competitive Bidding) là một nguyên tắc trong hoạt động đấu thầu.
20161115140207-shutterstock-362183300

Đấu thầu cạnh tranh (Competitive Bidding) (Nguồn: Entrepreneur)

Đấu thầu cạnh tranh (Competitive Bidding)

Đấu thầu cạnh tranh - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Competitive Bidding.

Đấu thầu cạnh tranh được hiểu là các nhà thầu thuộc mọi thành phần kinh tế đều được tạo điều kiện thuận lợi để tham gia đấu thầu, tất cả các nhà thầu có khả năng về kĩ thuật và tài chính và mong muốn đều có quyền tham gia đấu thầu, không phân biệt là nhà thầu trong nước hay nhà thầu quốc tế.

Số lượng các nhà thầu tham gia đấu thầu càng lớn thì bên mời thầu càng có nhiều cơ hội để lựa chọn nhà thầu tốt nhất. (Theo Find RFP)

Thực trạng đấu thầu cạnh tranh

Trên thực tế, đấu thầu cạnh tranh không phải lúc nào cũng thực hiện được vì một số nguyên nhân khách quan không xuất phát từ góc độ bên mời thầu.

Thứ nhất, trong các mô hình tổ chức của doanh nghiệp hiện nay thì công ty cổ phần là mô hình tổ chức phổ biến nhất. Các nhà thầu có thể là cổ đông của nhau, hoặc cùng có một số lượng cổ đông chung là những cổ đông chiến lược. Khi các nhà thầu này cùng tham gia trong một cuộc đấu thầu thì tính cạnh tranh có thể bị ảnh hưởng.

Với các nhà thầu này, ai trong số họ trúng thầu cũng đều mang lại lợi ích cho nhà thầu khác, Các nhà thầu không những không cạnh tranh với nhau mà ngược lại họ có thể liên kết với nhau và gây ảnh hưởng không tốt cho bên mời thầu.

Thứ hai, các nhà tài trợ vốn ODA song phương trên thế giới thường đưa ra những ràng buộc đối với các nước vay vốn, đó là phải sử dụng dịch vụ, hàng hóa của nước cho vay. Để thực hiện ràng buộc này, nhà tài trợ thường đưa ra yêu cầu là chỉ chấp thuận một số nhà thầu thuộc nước cho vay và nước đi vay có thể tham gia đấu thầu, các nhà thầu đến từ các quốc gia khác không được phép tham gia dù có đủ năng lực và mong muốn.

Rõ ràng là vẫn có sự cạnh tranh vì số lượng nhà thầu tham gia không ít, song với sự chênh lệch về trình độ công nghệ giữa nhà thầu của nước vay vốn và nước cho vay vốn thì trong phần lớn các cuộc đấu thầu, bên trúng thầu vẫn là nhà thầu của nước cho vay. Điều này phản ánh rất rõ tính chất ràng buộc về kinh tế của nguồn vốn ODA song phương.

Thứ ba, ở một số quốc gia với đặc điểm là khu vực kinh tế nhà nước còn chiếm một tỉ trọng rất lớn trong nền kinh tế, và khu vực tư nhân còn chậm phát triển thì việc hạn chế các doanh nghiệp nhà nước tham gia vào đấu thầu là điều rất khó. 

Các doanh nghiệp tư nhân ở những quốc gia này chưa đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu đấu thầu của chính phủ. Điều này dẫn đến tình trạng các nhà thầu là doanh nghiệp nhà nước không cần phải cạnh tranh trong đấu thầu mà vẫn có được việc làm nên không có động lực để phát triển, và hậu quả là sản phẩm của đấu thầu khó đạt được chất lượng cao.

Từ đó, có thể thấy rằng điều kiện cần thiết để thực hiện đấu thầu cạnh tranh tại một quốc gia là: Nền kinh tế của quốc gia này phải có tính thị trường cao. (Theo Giáo trình Đấu thầu, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)

Khai Hoan Chu