COVID-19 phơi bày thiện tâm nửa vời của giới lãnh đạo doanh nghiệp
Vô số tin tức cho thấy ngay cả các tổng giám đốc, chủ tịch doanh nghiệp ở Mỹ cũng đang bắt đầu chịu tổn thất bởi khủng hoảng kinh tế do COVID-19 gây nên.
Nhưng so với nhân viên dưới quyền, tổn thất của họ rất nhỏ, và nhiều người nhận định quyết định tự giảm lương của các nhà điều hành doanh nghiệp chỉ là trò "giơ cao đánh khẽ".
Đến thời điểm hiện tại, chủ tịch và tổng giám đốc của nhiều tập đoàn lớn ở Mỹ đã giảm lương hoặc không nhận lương trong vài tháng tới. Tuy nhiên, họ vẫn giữ các chế độ thưởng trong năm 2020, dù mức thưởng thấp hơn so với năm ngoái.
CEO tự giảm lương vài trăm nghìn USD, nhưng vẫn giữ thu nhập hàng triệu USD
Thu nhập của người lao động sẽ phụ thuộc vào nền kinh tế, thị trường tài chính và bản thân dịch COVID-19. Nhưng trong bối cảnh nỗi đau và khó khăn của người lao động bình thường tăng, thu nhập của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp – một vấn đề đang gây tranh cãi – lại tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận.
Bloomberg lấy ví dụ về Tenet Healthcare, tập đoàn bệnh viện đã cho vài nghìn nhân viên nghỉ việc không lương vì COVID-19. Tổng giám đốc Ronald Rittenmeyer từng cam kết ông sẽ không nhận lương trong 3 tháng (tương đương gần 390.000 USD) để lập một quĩ hỗ trợ những nhân viên khó khăn vì đại dịch.
Trong một thư ngỏ dành cho các cổ đông hồi tháng 4, Ronald Rittenmeyer khẳng định ông quyên góp 3 tháng lương để vinh danh 113.000 bác sĩ, y tá và những nhân viên khác trong tập đoàn đang chống COVID-19 ở tuyến đầu.
Song ngay cả khi tự cắt 3 tháng lương, tổng lương của Ronald Rittenmeyer trong năm vẫn đạt hơn 1 triệu USD, chưa kể khoản thưởng tối thiểu 875.000 USD, cổ tức khoảng 11,3 triệu USD trong năm và một hợp đồng cho phép ông hưởng thêm vài triệu USD nữa trong tương lai. Giới truyền thông ước tính 390.000 USD chỉ chiếm chưa tới 2% tổng thu nhập của Ronald Rittenmeyer trong năm ngoái.
Hơn nữa, Tenet Healthcare vẫn trả người tiền nhiệm của Ronald Rittenmeyer gần 245.000 USD mỗi tháng dù ông đã rời tập đoàn 3 năm trước. Khoản lương ấy là một phần trong thỏa thuận để vị cựu tổng giám đốc ra đi.
Chẳng ai ngạc nhiên khi một trong những công đoàn lớn nhất nước Mỹ chỉ trích chế độ lương cho ban điều hành của Tenet Healthcare và nhận định khoản quyên góp 390.000 USD của Rittenmeyer chưa xứng tầm với mức thu nhập. Nhiều người kêu gọi cổ đông phản đối gói thu nhập dành cho Rittenmeyer trong đại hội cổ đông thường niên vào ngày 28/5.
Một người phát ngôn của Tenet Healthcare khẳng định ban lãnh đạo đã phê chuẩn gói thu nhập của các nhà quản lí từ trước khi dịch COVID-19 bùng phát và mức lương của họ gắn với những mục tiêu dài hạn. Tập đoàn cũng tuyên bố việc nhân viên nghỉ làm không lương chỉ là giải pháp để tập trung các nguồn lực vào nỗ lực chống dịch và giờ đây một bộ phận nhân viên đã làm việc trở lại.
Bất bình đẳng về thu nhập
Rittenmeyer không phải là nhà lãnh đạo doanh nghiệp duy nhất lọt vào tầm ngắm của dư luận. Chuỗi siêu thị thực phẩm Kroger cũng hứng chịu làn sóng chỉ trích từ nhân viên và công đoàn sau khi họ giảm mức phụ cấp 2 USD mỗi giờ từ cuối tuần này. Đây là mức hỗ trợ đối với nhân viên trong thời gian COVID-19 hoành hành.
Nhưng Kroger lại xác nhận rằng Rodney McMullen, tổng giám đốc tập đoàn, đã nhận khoản thưởng 2,11 triệu USD trong năm 2019. So với mức thu nhập trung bình của nhân viên – chưa tới 27.000 USD bao gồm cả lương và thưởng – con số ấy quá chênh lệch.
Một người phát ngôn của Kroger bình luận rằng mức lương trung bình của tập đoàn là 15 USD/giờ và họ cũng thực thi hàng loạt biện pháp bảo đảm an toàn cho nhân viên trong mùa dịch COVID-19, bao gồm xét nghiệm và nghỉ phép khẩn cấp, nên tập đoàn không cần hỗ trợ 2 USD/giờ cho nhân viên nữa.
Trên khắp nước Mỹ, khi hàng chục triệu người dân đang mất việc, công chúng lại một lần nữa đặt câu hỏi về thu nhập của giới lãnh đạo doanh nghiệp.
Hàng loạt hãng hàng không – như United Airlines và Southwest Airlines – bắt đầu giảm lương của tổng giám đốc từ tháng 3, và hàng chục doanh nghiệp trong các ngành khác đã noi gương. Thậm chí tổng giám đốc của nhiều tập đoàn như General Electrics còn cắt toàn bộ lương trong năm 2020.
Một mặt, giảm một phần hoặc toàn bộ lương trong năm của tổng giám đốc là hành động thể hiện lương tâm (dù chỉ mang tính biểu tượng), đoàn kết và hi sinh của ban lãnh đạo doanh nghiệp. Song mặt khác, hành động ấy cho thấy mức độ bất bình đẳng kinh tế giữa những người đứng đầu giới doanh nghiệp với phần còn lại.
"Nếu một vị giám đốc điều hành yêu cầu nhân viên của họ giảm lương, đương nhiên họ cũng nên tự giảm lương. Vấn đề là mức giảm chiếm tỉ lệ thế nào trong tổng thu nhập của họ?", ông Charles Elson, giám đốc của Trung tâm Quản trị doanh nghiệp thuộc Đại học Delaware, bình luận.
Đối với rất nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong những ngành chịu tổn thất lớn nhất, mức thu nhập cả năm của họ chỉ còn 1 triệu USD thay vì 10 triệu USD. Song trong nhiều ngành khác, các CEO vẫn hưởng mức tổng thu nhập cao ngất ngưởng dù họ mất lương tháng, nếu giá cổ phiếu phục hồi.
Thị trường chứng khoán ưu ái các CEO
Dĩ nhiên, thị trường chứng khoán không phải là nền kinh tế, song nó vẫn có thể khuếch đại hay bóp méo phần lợi và thiệt của từng thành phần bên trong nó.
Sau khi lao dốc vào tháng 3, hồi tháng 4, giá cổ phiếu Mỹ bật tăng mạnh nhất từ năm 1987. Điều oái oăm là, thị trường chứng khoán Mỹ phục hồi khi giới doanh nghiệp sa thải 20,5 triệu người (mức kỉ lục trong lịch sử Mỹ), khiến tỉ lệ thất nghiệp toàn quốc lên tới 14,7%.
Thực tế của nhiều năm sau khủng hoảng trước đây cho thấy, thị trường có xu hướng ưu ái giới lãnh đạo hơn người lao động. Trong một thập kỉ qua, ban lãnh đạo của những doanh nghiệp đại chúng đã nhận hàng tỉ USD nhờ mức phục hồi mạnh của giá cổ phiếu, trong khi hàng triệu người lao động bình thường vật lộn suốt nhiều năm để quay trở lại mức sống như trước khủng hoảng.
"Quan điểm chung là dư luận là chúng ta phải quan tâm tới mọi đối tượng liên quan. Chúng ta không thể chấp nhận việc một nhóm nhỏ giàu hơn và phần còn lại xoay sở chật vật hơn để sinh tồn", Robin Ferracone, giám đốc công ty tư vấn kinh doanh Farient Advisors, bình luận.
Đây là một phần của một xu hướng dài hạn hơn. Tổng giám đốc của những tập đoàn lớn nhất nước Mỹ đang chứng kiến mức thu nhập bình quân của họ tăng 940% từ năm 1978 tới năm 2018 nhờ sự tăng giá cổ phiếu, theo một nghiên cứu năm ngoái. Trong khi đó, lương của người lao động chỉ tăng bình quân 12%.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/