Thêm doanh nghiệp Việt mua chip AI mạnh nhất của Nvidia
Thông tin trên được ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó chủ tịch Misa, chia sẻ với Bộ Khoa học và Công nghệ, chiều 10/4. Đây là buổi làm việc tiếp theo của Bộ với các doanh nghiệp nhận nhiệm vụ làm chủ công nghệ chiến lược, nhằm cập nhật tiến độ cũng như hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc.
Trong 7 doanh nghiệp nhận nhiệm vụ, Misa cam kết sẽ chi 2.500 tỷ đồng trong 5 năm để xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) cho AI "Make in Viet Nam" với tối thiểu 100 tỷ tham số, chuyên sâu cho xử lý văn bản pháp luật nhà nước, kế toán, thuế và quản trị doanh nghiệp, chuyên sâu nông nghiệp hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi và trồng trọt.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Misa trong buổi làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ, ngày 10/4. Ảnh: Lưu Quý
Theo ông Hoàng, công ty đang đạt được một số dấu mốc quan trọng. Tuy nhiên, việc xây dựng mô hình AI trên quy mô lớn khác rất nhiều so với những mô hình nhỏ mà đơn vị triển khai trước đây, kéo theo nhiều thách thức. Một trong số đó là cải thiện năng lực tính toán.
Ông cho biết công ty đang thực hiện song song hai giải pháp là thuê hạ tầng sử dụng và liên hệ Nvidia đặt mua chip, trong đó có mẫu mạnh nhất H200. "Chúng tôi đã đặt hàng thành công và dự kiến 6 tháng nữa chip sẽ về", ông Hoàng nói.
Theo Phó chủ tịch Misa, việc đầu tư nghiên cứu vào AI có thể giúp tạo ra những "DeepSeek" của Việt Nam, đồng thời mang đến nhiều lợi ích cho cá nhân và tổ chức trong nước khi có thể tiếp cận và sử dụng AI tiên tiến với giao diện tiếng Việt, đồng thời ứng dụng AI giúp gia tăng năng suất và hiệu quả công việc, tiết kiệm thời gian và nguồn lực.
Ngoài mô hình ngôn ngữ lớn, công ty dự định tạo nền tảng AI Agent Platform cung cấp sẵn các "nhân sự AI" với kiến thức chuyên sâu về văn bản pháp luật nhà nước, kế toán, thuế và quản trị doanh nghiệp.
Bộ Khoa học và Công nghệ đồng hành cùng doanh nghiệp
Tại buổi gặp, đại diện Misa đề xuất với Bộ Khoa học và Công nghệ một số chính sách thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, như ưu đãi thuế cho cá nhân làm trong doanh nghiệp phần mềm Việt Nam, chính sách thuế cho chuyên gia nước ngoài được thuê về Việt Nam cho hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, đơn vị cũng đề nghị được giải đáp chính sách "người làm nghiên cứu được hưởng tối thiểu 30% kết quả thương mại hóa", trong trường hợp người làm nghiên cứu đó là nhân viên của công ty, vốn đã được trả lương.
Ông Đào Ngọc Chiến, Giám đốc Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước, nhắc lại thông điệp từ Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng, xác định doanh nghiệp tư nhân thời gian tới sẽ là trụ cột trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Nhà nước sẽ đóng vai trò đầu tư, đồng hành và kích thích doanh nghiệp phát triển.
Đại diện Bộ cho biết đang xây dựng chương trình phát triển Công nghệ chiến lược và Công nghiệp chiến lược, dự kiến hoàn thành vào tháng 5. Khi đó, sẽ có nguồn vốn lớn dùng để đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện các chương trình này.

Ông Đào Ngọc Chiến, Giám đốc Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước chia sẻ tại buổi gặp. Ảnh: Lưu Quý
Về việc doanh nghiệp còn nghi ngại khi sử dụng nguồn vốn hỗ trợ từ nhà nước, ông Chiến cho biết Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 193 của Quốc hội về cơ bản đã gỡ các điểm nghẽn. Một số nội dung trong đó là người nghiên cứu có thể dùng kết quả của mình để lập doanh nghiệp hoặc góp vốn vào doanh nghiệp; nhiệm vụ khoa học công nghệ được thực hiện theo phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng; kết quả nghiên cứu thuộc về người thực hiện.
Với đề xuất về thuế, ông Chiến cho biết Nghị quyết 193 cũng nêu rõ các khoản chi dành cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp "được tính vào khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp". Ngoài ra, tiền lương, tiền công từ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước là khoản không chịu thuế thu nhập cá nhân.
Với thắc mắc về chính sách 30% kết quả thương mại hóa cho người nghiên cứu, ông Chiến khuyến nghị khi thực hiện dự án nghiên cứu, doanh nghiệp cần xác định rõ thành phần tham gia để có chính sách phù hợp. Kết quả thương mại hóa nghiên cứu cũng cần được bóc tách riêng thay vì gộp chung vào doanh thu của công ty để tránh các rắc rối phát sinh khi thực hiện chính sách.