'Một ứng viên chỉ là nhân tài khi có cả tài năng lẫn cam kết gắn bó lâu dài với doanh nghiệp'
Trước khi khởi nghiệp, ông Lâm Minh Chánh từng làm việc trong các tập đoàn nước ngoài 15 năm và giữ nhiều vị trí quản lí. Sau đó, ông tham gia một số công ty khởi nghiệp như Hangtumy, Mathnasium. Patoso với tư cách người đồng sáng lập.
Đối với chính sách tuyển dụng những nhân tài không cam kết gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, ông Chánh cho rằng 5 năm trước, rất ít doanh nghiệp chấp nhận chính sách như vậy.
"Song trong thời gian qua, tình hình đã thay đổi và một số doanh nghiệp công nghệ có thể chấp nhận những tài năng không cam kết đồng hành lâu dài", ông Chánh phát biểu.
Đồng ý rằng các công ty công nghệ cần thay đổi nhân sự liên tục để tìm những nhân tố mới, những ý tưởng mới, nhưng ông Chánh lưu ý rằng sự thay đổi ấy thường diễn ra ở bộ phận sản phẩm và sáng tạo. Ông nghĩ rằng những người nắm vị trí chủ chốt phải song hành với công ty trong thời gian dài. Theo ông, ở những nền kinh tế phát triển như Nhật Bản hay Mỹ, chủ doanh nghiệp vẫn có tư tưởng không đánh giá cao những người đổi công việc theo chu kỳ 2-3 năm.
"Có vẻ như trong bối cảnh phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam đang diễn ra sôi nổi, nhiều startup công nghệ thiếu người trầm trọng nên họ buộc phải chấp nhận chuyện nhân sự giỏi không muốn gắn bó lâu", ông nhận định.
Doanh nghiệp, theo ông Chánh, sẽ không thể vạch ra chiến lược dài hạn với những nhân sự không muốn gắn bó lâu dài.
"Giả sử tôi có hai phó tổng giám đốc không cam kết gắn bó lâu dài. Trong những cuộc họp rất quan trọng, tôi sẽ không mời hai vị đó tham gia. Chẳng ai biết trước hai vị ấy có thể trở thành mối họa với công ty trong tương lai hay không", ông lập luận.
Giám đốc Trường Doanh nhân BizUni, ông Lâm Minh Chánh (bên phải), tham gia một chương trình của Đại học FPT. Ảnh: Đại học FPT
Nhấn mạnh rằng nếu đã biết trước nhân tài sẽ ra đi, ông Chánh khuyên doanh nghiệp thận trọng đối với họ. Theo ông, doanh nghiệp chỉ nên chấp nhận số lượng nhân tài không gắn bó lâu dài ở mức dưới 40%.
"Nếu tỉ lệ ấy lớn hơn 40%, sự ra đi của họ sẽ gây nên sự xáo trộn, bởi đội ngũ nhân tài sẽ góp phần tạo nên văn hóa doanh nghiệp", ông giải thích.
Theo ông Chánh, cách hợp lý nhất để giữ những nhân tài không muốn gắn bó lâu dài là "cảm hóa" họ sau một thời gian.
"Ví dụ, doanh nghiệp có thể giao cho nhân tài những nhiệm vụ mà họ có thể tìm thấy niềm vui, sự thỏa mãn để tăng mức độ gắn bó của họ", ông nói.
Giám đốc trường Doanh nhân BizUni nhấn mạnh rằng khả năng giữ nhân tài của doanh nghiệp phụ thuộc vào người đứng đầu. Theo ông, dù xuất chúng đến mấy, nhiều lúc người đứng đầu công ty vẫn cảm thấy cô đơn. Vì thế, họ cần đội ngũ nòng cốt gắn bó lâu dài để có thể chia sẻ trách nhiệm, nỗi lo với họ.
Với những nhân sự giỏi không muốn gắn bó lâu dài, ông Chánh không muốn dùng từ "trọng dụng nhân tài".
"Tôi nghĩ chúng ta nên dùng cụm từ 'sử dụng nhân tài' cho những người như vậy, vì doanh nghiệp và họ chỉ đi với nhau vài năm", ông bình luận.