|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thế giới có thể tiếp tục thiếu cao su?

18:59 | 11/04/2025
Chia sẻ
Sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục không đủ đáp ứng nhu cầu trong năm 2025, đánh dấu năm thứ 5 liên tiếp cung không đủ cầu cho dù giá cao su thời gian qua tăng nhưng vẫn chưa đủ để khuyến khích việc khai thác mủ tại các nước sản xuất chủ chốt.

 

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), dẫn báo cáo mới nhất của Hiệp hội Các nước Sản xuất Cao su Tự nhiên (ANRPC) cho biết, sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu trong tháng 2/2025 ước đạt 945.000 tấn, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 29,2% so với tháng trước. Tiêu thụ cao su tự nhiên đạt 1,187 triệu tấn, giảm 3,3% so với tháng trước nhưng tăng 1,6% so với cùng kỳ năm

ANRPC dự báo sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu năm 2025 tăng nhẹ 0,4% so với năm 2024, lên 14,897 triệu tấn. Trong đó, Thái Lan tăng 1,2%, Trung Quốc tăng 6%, Ấn Độ tăng 5,6%, Campuchia tăng 5,6%, Myanmar tăng 5,3% và các quốc gia khác tăng 3,5%, trong khi đó Indonesia giảm 9,8%, Việt Nam giảm 1,3% và Malaysia giảm 4,2%,.

Về tiêu thụ, năm 2025, tổng nhu cầu cao su tự nhiên toàn cầu dự kiến tăng 1,7% lên 15,625 triệu tấn. Trong đó, Trung Quốc tăng 2,5%, Ấn Độ tăng 3,4%, Thái Lan tăng 6,1%, Malaysia tăng 2,6%, Việt Nam tăng 1,5%, Sri Lanka tăng 1,5% và các quốc gia khác tăng 2,5%.

Sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu năm 2025 được dự báo tiếp tục không đáp ứng đủ nhu cầu, ghi nhận tình trạng thiếu cung năm thứ 5 liên tiếp. Giá cao su tăng cao hơn thời gian qua vẫn không đủ để khuyến khích các nước sản xuất chủ chốt như Indonesia và Việt Nam tăng lượng mủ khai thác.

Cũng theo ANRPC, trong khi nhu cầu cao su tại các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan liên tục tăng, sản lượng lại không theo kịp do giá thấp. Giá cao su mới chỉ hồi phục và tăng nhẹ từ năm ngoái.

Tình trạng thiếu hụt sản lượng nhiều khả năng sẽ tiếp tục giúp giá cao su đứng ở mức cao, sau khi đạt mức cao nhất trong 13 năm qua hồi cuối năm 2024.

Nguyên nhân chính của tình trạng thiếu hụt cao su hiện nay là do mức giá thấp kéo dài 7-8 năm qua khiến việc tái canh thấp, tốc độ trồng mới chậm lại và người trồng cao su chuyển sang các loại cây có lợi nhuận cao hơn.

Phiên giao dịch 10/4, tại Nhật Bản, giá cao su kỳ hạn tháng 4 tăng 6,2% (17.4 yên) lên 299,1 yen/kg. Giá cao su tại Trung Quốc cũng tăng 2,2% lên 14.425 nhân dân tệ/tấn.

Tại Malaysia, giá cao su chấm dứt chuỗi giảm 4 phiên liên tiếp, chủ yếu do Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày đối với hầu hết các nước.

Kết phiên giao dịch, giá cao su Malaysia tiêu chuẩn loại SMR 20 tăng 18,5 sen lên 757 sen/kg, trong khi cao su latex dạng lỏng tăng 1,5 sen lên 557 sen/kg.

Một số nhà phân tích cho rằng, giá cao su có thể được hỗ trợ do thời tiết bất lợi tại các nước sản xuất lớn ở châu Á ảnh hưởng xấu đến sản lượng cao su tự nhiên và kéo giảm nguồn cung.

 

HT