Chức năng điều chỉnh và kiểm soát (Stabilization function) của tài chính công là gì?
Hình minh hoạ (Nguồn: tapchitaichinh)
Chức năng điều chỉnh và kiểm soát của tài chính công
Khái niệm
Chức năng điều chỉnh và kiểm soát của tài chính công trong tiếng Anh được gọi là Stabilization function.
Chức năng điều chỉnh và kiểm soát của tài chính công là khả năng khách quan của tài chính Nhà nước để có thể thực hiện việc điều chỉnh lại quá trình phân phối các nguồn lực tài chính và xem xét lại tính đúng đắn, tính hợp lí của các quá trình phân phối đó trong mọi lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế quốc dân.
Đối tượng điều chỉnh và kiểm soát
Đối tượng điều chỉnh và kiểm soát của tài chính công trước hết là quá trình phân bổ các nguồn lực thuộc quyền chi phối của Nhà nước. Nói khác đi, đó là quá trình tạo lập và sử dụng các quĩ tiền tệ mà Nhà nước nắm giữ.
Tuy nhiên cần nhận rõ rằng, việc tạo lập, phân phối và sử dụng các quĩ tiền tệ của Nhà nước lại luôn có mối liên hệ hữu cơ với việc tạo lập, phân phối và sử dụng các quĩ tiền tệ của mọi chủ thể kinh tế - xã hội khác và được tiến hành trên cơ sở các chính sách, chế độ do Nhà nước qui định.
Do đó, đối tượng điều chỉnh và kiểm soát của tài chính Nhà nước không chỉ là bản thân quá trình phân phối của tài chính công mà còn là các quá trình phân phối các nguồn tài chính ở mọi chủ thể kinh tế xã hội theo các yêu cầu đặt ra của các chính sách thu, chi tài chính.
Nội dung
- Nội dung của kiểm soát - kiểm tra quá trình vận động của các nguồn tài chính là: kiểm tra việc khai thác, phân bổ và sử dụng các nguồn lực tài chính; Kiểm tra tính cân đối, tính hợp lí của việc phân bổ và kiểm tra tính tiết kiệm, tính hiệu quả của việc sử dụng chúng.
- Còn nội dung của điều chỉnh quá trình vận động của các nguồn tài chính là: điều chỉnh về mặt tổng lượng của nguồn tài chính nhằm đạt tới cân đối về mặt tổng lượng cung cấp vốn và tổng lượng nhu cầu vốn;
Điều tiết cơ cấu và mối quan hệ tỉ lệ giữa các mặt trong phân bổ các nguồn tài chính như: quan hệ tỉ lệ giữa tích luỹ với tiêu dùng, giữa tiêu dùng xã hội với tiêu dùng cá nhân, giữa trung ương với địa phương, giữa các ngành...
Kiểm soát quá trình vận động của các nguồn tài chính được thực hiện thông qua đồng tiền và dựa vào kế hoạch, nó được tiến hành trong suốt quá trình kế hoạch hoá tài chính từ khi xây dựng, xét duyệt, quyết định, thực hiện kế hoạch và cả sau khi kế hoạch được thực hiện xong.
Mối quan hệ giữa điều chỉnh và kiểm soát
Mối quan hệ giữa điều chỉnh và kiểm soát được thể hiện trên hai mặt:
- Trên cơ sở kết quả của kiểm tra phát hiện những mất cân đối, bất hợp lí trong quá trình phân bổ các nguồn tài chính mà tiến hành những điều chỉnh cần thiết để đảm bảo cho quá trình đó được hợp lí, đúng đắn hơn. Như vậy, kiểm tra là chỗ dựa và quĩ đạo của điều chỉnh;
- Ngược lại, kiểm tra có thực hiện được hay không và vận dụng có kết quả hay không lại phụ thuộc vào sự hợp lí, đúng đắn của điều chỉnh.
Bởi vì, các quan hệ tỉ lệ trong phân bổ các nguồn lực tài chính do điều chỉnh tiến hành chính là cơ sở để kiểm tra xem xét tính đúng đắn, hợp lí của nó.
Vì những quan hệ nội tại khăng khít đó, điều chỉnh và kiểm soát gắn bó với nhau cấu thành nội dung chức năng điều chỉnh và kiểm soát của tài chính công.
(Tài liệu tham khảo: Quản lí tài chính công, 2012, Đại học Thuỷ Lợi)