Chính sách về sự linh hoạt của giá là gì? Phân loại
Chính sách về sự linh hoạt của giá
Khái niệm
Chính sách về sự linh hoạt của giá phản ánh cách thức sử dụng mức giá như thế nào đối với các đối tượng khách hàng.
Nhằm đạt được mục tiêu đã xác định cho giá, doanh nghiệp cần đưa ra các quyết định rõ ràng về chính sách giá của mình. Các chính sách giá đúng cho phép doanh nghiệp có thể định giá và quản lí giá có hiệu quả trong kinh doanh.
Phân loại các chính sách
Doanh nghiệp phải lựa chọn giữa chính sách một giá hay chính sách giá linh hoạt.
- Chính sách một giá: đưa ra một mức giá đối với tất cả các khách hàng mua hàng trong cùng các điều kiện cơ bản và cùng một khối lượng.
+ Ưu điểm
Chính sách này yêu cầu hàng được bán ra theo giá niêm yết, không có mặc cả giá, cho phép có thể đảm bảo được thu nhập dự tính, duy trì uy tín trong khách hàng, rút ngắn thời gian bán, định giá và quản lí giá khá dễ dàng.
+ Nhược điểm
Tuy nhiên, có thể dẫn đến trạng thái cứng nhắc về giá, kém linh hoạt và cạnh tranh khi đặt giá cao hơn đối thủ cạnh tranh mà không kịp thời điều chỉnh.
- Chính sách giá linh hoạt: đưa ra cho khách hàng khác nhau các mức giá khác nhau trong cùng các điều kiện cơ bản và cùng khối lượng.
+ Ưu điểm
Chính sách giá này cho phép bán hàng ở các mức giá khác nhau xoay quanh giá niêm yết. Khách hàng được mặc cả giá.
Người bán được phép tự quyết định về mức giá cụ thể trong khung giá "trần – sàn" nên có khả năng hỗ trợ tốt hơn cho việc bán hàng trong các tình huống cụ thể một cách linh hoạt và đáp ứng nhu cầu mong muốn "mặc cả giá" của khách.
Chính sách này thông dụng trong kinh doanh nhỏ, sản phẩm không được tiêu chuẩn hoá, trong các kênh lưu thông, bán trực tiếp hàng công nghiệp và bán lẻ hàng đắt tiền.
+ Nhược điểm
Nhược điểm chính của chính sách giá này là việc quản lí giá trở nên khó khăn, công sức và thời gian bán hàng lớn, tạo tâm lí không hài lòng với một số khách hàng nếu cảm thấy bị mua "hớ".
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Marketing thương mại, Chủ biên PGS. TS. Nguyễn Xuân Quang, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân, 2007)