|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Chính sách tích luỹ và tiêu dùng là gì? Các bộ phận

15:46 | 16/04/2020
Chia sẻ
Chính sách tích luỹ và tiêu dùng là một bộ phận trong chính sách cơ cấu kinh tế của Nhà nước, là tổng thể những quan điểm, hình thức, nguyên tắc, công cụ và giải pháp mà Nhà nước vận dụng để điều chỉnh mối quan hệ giữa tích luỹ và tiêu dùng.
Chính sách tích luỹ và tiêu dùng là gì? Các bộ phận - Ảnh 1.

Hình minh hoạ (Nguồn: picfair)

Chính sách tích luỹ và tiêu dùng

Khái niệm

Chính sách tích luỹ và tiêu dùng là một bộ phận trong chính sách cơ cấu kinh tế của Nhà nước, là tổng thể những quan điểm, hình thức, nguyên tắc, công cụ và giải pháp mà Nhà nước vận dụng để điều chỉnh mối quan hệ giữa tích luỹ và tiêu dùng đảm bảo cho nền kinh tế quốc dân phát triển cân đối với tốc độ hợp lí, tránh khủng khoảng, vừa giải quyết được vấn đề kinh tế, vừa giải quyết được các vấn đề xã hội và môi trường.

Các bộ phận của chính sách tích luỹ và tiêu dùng

Chính sách tích luỹ và tiêu dùng bao gồm hai bộ phận chính:

- Chính sách tích luỹ gồm những quan điểm, giải pháp mà Nhà nước áp dụng nhằm điều chỉnh qui mô và tích luỹ xã hội theo định hướng chiến lược của nền kinh tế, đảm bảo cân đối với qui mô tiêu dùng.

- Chính sách tiêu dùng gồm những quan điểm, giải pháp mà Nhà nước áp dụng nhằm điều chỉnh mức độ tiêu dùng của xã hội cho phù hợp với tốc độ và qui mô của tích luỹ, của sản xuất và đảm bảo cuộc sống cho xã hội.

Các công cụ và giải pháp trong chính sách tích luỹ và tiêu dùng

Trong chính sách tích luỹ và tiêu dùng. Nhà nước sử dụng nhiều công cụ và giải pháp khác nhau.

- Các công cụ kinh tế: thuế, lãi suất, tiền lương, giá cả…

+ Bằng công cụ thuế. Nhà nước có thể khuyến khích dùng hàng nội địa, hàng thiết yếu, hạn chế tiêu dùng xa xỉ, hàng ngoại nhập thông qua việc điều chỉnh mức thuế và áp dụng các loại thuế khác nhau.

+ Bằng lãi suất cao hay thấp Nhà nước có thể khuyến khích tích luỹ hay tiêu dùng. Với mức lãi suất cao, xã hội có xu hướng tăng tiết kiệm, tăng tích luỹ và ngược lại, với mức lãi suất thấp, xã hội tăng mức tiêu dùng.

+ Tiền lương cũng là một công cụ quan trọng trong chính sách tích luỹ và tiêu dùng của Nhà nước. Nhà nước có thể tác động đến việc tăng tiêu dùng bằng cách tăng mức lươgn tối thiếu.

+ Giá cả là một yếu tố ảnh hưởng đến tích luỹ và tiêu dùng. Giá cao làm cho tiêu dùng giảm đi và tích luỹ tăng lên và ngược lại. Thông qua chính sách gái cả mà Nhà nước tác động đến quan hệ tích luỹ và tiêu dùng.

+ Tỉ giá hối đoái tác động đến tích luỹ và tiêu dùng theo hướng tỉ giá cao sẽ hạn chế tiêu dùng và ngược lại. Thông qua chính sách tỉ giá hối đoái, Nhà nước có thể điều chỉnh được quan hệ giữa tích luỹ và tiêu dùng.

- Các công cụ phi kinh tế: các biện pháp cấm đoán của Nhà nước, qui định chế độ trích lập các quĩ trong doanh nghiệp nhà nước…

+ Các biện pháp cấm đoán của nhà nước như cấm nhập một số hàng xa xỉ, các hàng hoá đắt tiền, các mặt hàng độc hại (cấm nhập thuốc lá điếu của Việt Nam)…

+ Qui định chế độ trích lập quĩ trong doanh nghiệp. Tỉ lệ giữa quĩ khen thưởng, quĩ phúc lợi và quĩ phát triển sản xuất.

Ngoài 5 chính sách đã nêu trên, trong chính sách cơ cấu kinh tế còn có chính sách cơ cấu kĩ thuật và chính sách cơ cấu xuất nhập khẩu cũng có vị trí quan trọng.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Chính sách Kinh tế - Xã hội, TS. Nguyễn Thị Lệ Thuý, TS. Bùi Thị Hồng Việt, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, NXB Tài chính, 2012)

Diệu Nhi