|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Nhu cầu lao động xã hội kì kế hoạch là gì?

11:22 | 16/04/2020
Chia sẻ
Nhu cầu lao động xã hội kì kế hoạch là qui mô, cơ cấu lực lượng lao động cần có để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Nhu cầu lao động xã hội kì kế hoạch là gì? - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: Pinterest)

Nhu cầu lao động xã hội kì kế hoạch

Khái niệm

Nhu cầu lao động xã hội kì kế hoạch hay nhu cầu lao động cần có kì kế hoạch là qui mô, cơ cấu lực lượng lao động cần có để thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH.

Nhu cầu lao động còn được hiểu theo nghĩa là khả năng cung về việc làm của nền kinh tế, thể hiện khả năng thu hút và tiếp nhận sức lao động nảy sinh trong hoạt động KT-XH, đó là số chỗ làm việc do các ngành KT-XH đem lại trong thời kì kế hoạch.

Nhân tố chi phối

Những nhân tố chi phối tổng lượng nhu cầu lực lượng lao động (LLLĐ) xã hội chủ yếu bao gồm:

- Năng suất lao động

Khi qui mô sản xuất xã hội ở mức nhất định, nhu cầu lao động phụ thuộc nghịch biến vào năng suất lao động. Nếu năng suất lao động càng cao thì nhu cầu lao động cần càng ít và ngược lại.

- Qui mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế

Sự tăng trưởng của nền kinh tế nếu coi các yếu tố khác không đổi thì nó phụ thuộc vào số lượng sức lao động và năng suất lao động. Nếu với mức năng suất lao động nhất định không thay đổi lượng nhu cầu lao động do qui mô và tốc độ tăng trưởng nền kinh tê quyết định.

Nếu qui mô nền kinh tế được đo bằng GDP, thì giữa tốc độ tăng trưởng GDP và tốc độ tăng trưởng nhu cầu lao động tuân theo qui luật: khi GDP thay đổi 1% thì nhu cầu lao động sẽ thay đổi bao nhiêu phần trăm (gọi là hệ số co giãn của lao động theo GDP).

- Sự thay đổi trong cơ cấu ngành nghề, cơ cấu sản phẩm, cơ cấu hoạt động KT-XH.

Xuất phát từ nhu cầu sử dụng sức lao động khác nhau, có hoạt động cần một lượng sức lao động lớn, có hoạt động chỉ cần tương đối ít sức lao động, bởi vậy kết cấu hoạt động kinh tế, xã hội biến đổi cũng gây ảnh hưởng đến tổng lượng nhu cầu sức lao động xã hội.

- Khả năng đổi mới sức lao động

Ở một thời kì nhất định, do các nguyên nhân sức lao động vốn đang làm việc có một bộ phận rời khỏi chỗ làm việc, cần có sức lao động mớ thay thế và bổ sung. Bởi vậy, thay thế, đổi mới sức lao động ảnh hưởng đến nhu cầu sức lao động xã hội.

Phương pháp xác định

Để xác định cụ thể nhu cầu sức lao động kì kế hoạch, ở tầm vĩ mô, có một phương pháp dựa trên nghiên cứu của Jan Tinbergan (người Hà Lan) và nhà kinh tế học người Mỹ Herbert Parnes.

Gọi là phương pháp Tinbergan - Parnes. Phương pháp này xác định mô hình công nhân kì kế hoạch căn cứ vào kế hoạch tăng trưởng kinh tế. Việc tính toán nhu cầu tiến hành qua 5 bước:

1. Xác định nhu cầu tăng trưởng GDP kì kế hoạch;

2. Xác định sự biến đổi về tỉ trọng cơ cấu các ngành kinh tế tạo nên GDP;

3. Xác định nhu cầu về số lượng lao động cần có trong kì kế hoạch theo các phương pháp thích hợp;

4. Xác định cơ cấu theo nghề nghiệp của công nhân;

5. Xác định cơ cấu nhu cầu giáo dục.

Trên thực tế các bước (1) và (2) được thực hiện bằng hai bộ phận kế hoạch quan trọng là kế hoạch tăng trưởng kinh tế và kế hoạch chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Các bước số (4) và số (5) cũng sẽ được xác định trên cơ sở xác định được tổng nhu cầu nhân lực kết hợp với các hệ số phản ánh mói quan hệ về nhu cầu lao động của từng ngành với tổng số lao động.

Vấn đề đặt ra cần nghiên cứu ở đây là làm thế nào để xác định dược tổng LLLĐ kì kế hoạch dựa trên cơ sở kế hoạch tăng trưởng kinh tế.

Có khá nhiều phường pháp được sử dụng để dự báo nhu cầu lao động kì kế hoạch. Hiện nay, ở Việt Nam thưởng sử dụng các phương pháp sau đây:

- Phương pháp tính theo năng suất lao động;

- Phương pháp tính theo hệ số co giãn của nhu cầu lao động với GDP(e1/g);

- Phương pháp căn cứ vào định mức lao động với các yếu tố đầu vào không phải là lao động.

(Tài liệu tham khảo: Kế hoạch hóa phát triển, GS.TS. Ngô Thắng Lợi, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân, 2019) 

Tuyết Nhi