Chính sách an toàn vĩ mô (Macroprudential policy) là gì?
Chính sách an toàn vĩ mô (Macroprudential policy)
Định nghĩa
Chính sách an toàn vĩ mô trong tiếng Anh là Macroprudential policy.
Chính sách an toàn vĩ mô là chính sách sử dụng các công cụ an toàn để hạn chế các rủi ro mang tính hệ thống và/hoặc các rủi ro đối với tổng thể hệ thống tài chính nhằm giảm thiểu khả năng đổ vỡ của hệ thống tài chính thông qua việc ngăn ngừa các dịch vụ tài chính có thể gây hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế thực.
(Theo Hội đồng Ổn định Tài chính (FSB), Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) và Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF))
Trong đó, rủi ro hệ thống được xem xét trên hai khía cạnh:
(i) Chiều thời gian (time dimension hay procyclical dimension) tức là diễn biến của rủi ro hệ thống theo thời gian.
(ii) Liên kết chéo giữa các lĩnh vực (cross-sectional dimension hay structural dimension), tức là sự phân bố rủi ro giữa các lĩnh vực trong hệ thống tài chính tại một thời điểm nhất định.
Như vậy, chính sách an toàn vĩ mô là một công cụ điều hành thận trọng nhằm đạt được sự ổn định tài chính của toàn bộ hệ thống tài chính, chứ không phải sự lành mạnh của từng tổ chức tài chính riêng lẻ. Chính sách an toàn vĩ mô tập trung vào sự tương tác giữa các tổ chức tài chính, các thị trường tài chính, cơ sở hạ tầng tài chính và toàn bộ nền kinh tế.
Mục tiêu
- Hiện có nhiều cách diễn giải khác nhau về mục tiêu của chính sách an toàn vĩ mô. Tuy nhiên, tựu chung lại, các học giả, các nhà hoạch định chính sách cũng như các tổ chức kinh tế - tài chính quốc tế đều thống nhất chính sách an toàn vĩ mô hướng tới một mục tiêu cuối cùng là ổn định tài chính.
- Theo Nhóm Công tác các nước G30, mục tiêu của chính sách an toàn vĩ mô là nhằm tăng cường khả năng phục hồi của hệ thống tài chính và ngăn ngừa các rủi ro hệ thống vốn có trong hệ thống tài chính mà gây ra bởi các mối lên kết lẫn nhau giữa các tổ chức, tính nhạy cảm trước các cú sốc và xu hướng dịch chuyển thuận theo chu kì của các tổ chức tín dụng mà theo đó làm tăng sự dao động của các chu kì tài chính.
- Theo Ủy ban về Hệ thống Tài chính Toàn cầu (CGFS), chính sách an toàn vĩ mô có hai mục tiêu tách biệt.
+ Một là tăng cường khả năng phục hồi của hệ thống tài chính trước sự suy giảm kinh tế và các cú sốc tổng cầu bất lợi khác.
+ Hai là ngăn ngừa các rủi ro hệ thống phát sinh và lan truyền trong nội bộ hệ thống tài chính thông qua sự liên kết lẫn nhau của các tổ chức từ những rủi ro thông thường của các tổ chức này trước các cú sốc và xu hướng hành động thuận theo chu kì của các định chế tài chính mà có thể dẫn đến việc khuếch đại chu kì tài chính. (SEACEN, 2012)
- Mục tiêu của chính sách an toàn vĩ mô có thể được thực hiện thông qua việc:
(i) phát hiện và ngăn ngừa các nguy cơ khủng hoảng tài chính;
(ii) giảm thiểu những rủi ro lan truyền từ hệ thống tài chính đến nền kinh tế thực; và
(iii) thực hiện xử lí khủng hoảng.
Kết luận
- Việc thực hiện các chính sách an toàn vĩ mô sẽ không thể loại trừ hoàn toàn những tổn thương của hệ thống tài chính trước các cú sốc.
- Tuy nhiên, một chính sách an toàn vĩ mô thích hợp sẽ hỗ trợ sự ổn định của hệ thống tài chính, tăng khả năng phục hồi của thị trường trước các cú sốc và cần bao gồm chức năng cảnh báo sớm để dự báo nguy cơ khủng hoảng trong tương lai.
- Việc thực hiện chính sách an toàn vĩ mô sẽ khuyến khích các tổ chức tài chính xây dựng dự phòng chung trong giai đoạn nền kinh tế đi lên để chuẩn bị cho việc hấp thụ các tổn thất trong tương lai. (SEACEN, 2012).
(Tài liệu tham khảo: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng quan về khuôn khổ chính sách an toàn vĩ mô hiệu quả)
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/