|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Chiến lược đầu tư đi cùng (Sidecar Investment Strategy) là gì? Đặc điểm và ví dụ

11:02 | 11/06/2020
Chia sẻ
Chiến lược đầu tư đi cùng (tiếng Anh: Sidecar Investment Strategy) là chiến lược đầu tư trong đó một nhà đầu tư cho phép nhà đầu tư khác kiểm soát vốn đầu tư như thế nào và đầu tư vào đâu.
Chiến lược đầu tư đi cùng (Sidecar Investment Strategy) là gì? Đặc điểm và ví dụ - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Axial)

Chiến lược đầu tư đi cùng

Khái niệm

Chiến lược đầu tư đi cùng trong tiếng Anh là Sidecar Investment Strategy.

Chiến lược đầu tư đi cùng là chiến lược đầu tư trong đó một nhà đầu tư cho phép nhà đầu tư khác kiểm soát vốn đầu tư như thế nào và đầu tư vào đâu.

Chiến lược đầu tư đi cùng thường xảy ra khi một trong các bên thiếu khả năng hoặc sự tự tin để tự đầu tư cho chính họ.

Chiến lược này đặt niềm tin vào khả năng kiếm lợi nhuận của người khác.

Đặc điểm của Chiến lược đầu tư đi cùng

Chiến lược đầu tư đi cùng yêu cầu đặt niềm tin vào khả năng của người khác. Điều này khác với chiến lược đầu tư theo đuôi – là chiến lược nhà đầu tư bắt chước động thái của người khác.

Một biến thể của chiến lược đầu tư đi cùng là quĩ đầu tư đi cùng (Sidecar fund), là một công cụ đầu tư trong đó một số nhóm liên quan với nhau nhưng có lợi ích khác nhau.

Ví dụ, các nhà đầu tư thụ động cũng như các nhà đầu tư tổ chức quan tâm đến nhiều cơ hội giao dịch và cùng đầu tư vào các công ty ưa thích và các công ty khởi nghiệp.

Chiến lược đầu tư đi cùng và Quản lí danh mục đầu tư

Chiến lược đầu tư đi cùng và chiến lược đầu tư theo đuôi (Coattail investing) thường không phải là nguyên lí chính trong việc quản lí danh mục đầu tư.

Quản lí danh mục đầu tư là một nghệ thuật và khoa học phức tạp, kết hợp nhiều loại chiến lược.

Các nhà quản lí danh mục đầu tư phải kết nối các khoản đầu tư của họ phù hợp với các mục tiêu của khách hàng là cá nhân hoặc tổ chức. Họ có nhiệm vụ ủy thác để làm như vậy.

Các nhà quản lí danh mục đầu tư sẽ xác định phân bổ tài sản cụ thể, cân bằng rủi ro với hiệu suất, bằng cách phân bổ các khoản đầu tư giữa cổ phiếu, trái phiếu, tiền mặt, bất động sản, vốn cổ phần tư nhân và khoản đầu tư mạo hiểm,...

Đối với mỗi loại tài sản, các nhà quản lí đầu tư xác định điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức cụ thể.

Ví dụ, nếu khách hàng không thể chấp nhận rủi ro lớn, người quản lí có thể quyết định đầu tư phần lớn tài sản ở trong nước thay vì ở thị trường quốc tế và tập trung vào sự an toàn thay vì tăng trưởng.

Rất nhiều sự đánh đổi tồn tại và đòi hỏi người quản lí phải nghiên cứu và thận trọng liên tục.

Ví dụ về Chiến lược đầu tư đi cùng

Giả sử có hai cá nhân: Jessica - người có kinh nghiệm trong giao dịch trái phiếu doanh nghiệp và Barney - người có nền tảng về bất động sản. Jessica và Barney quyết định hợp tác với nhau với chiến lược đầu tư đi cùng.

Trong trường hợp này, Jessica sẽ nhờ Barney đầu tư vào bất động sản thay cô ấy và Barney sẽ nhờ Jessica đầu tư vào trái phiếu công ty.

Chiến lược này cho phép cả Jessica và Barney đa dạng hóa danh mục đầu tư của họ và hưởng lợi từ khả năng của nhau.

(Theo Investopedia)

Minh Hằng