|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Chiến lược bảo toàn vốn (Preservation Of Capital Strategy) là gì?

09:56 | 20/11/2019
Chia sẻ
Chiến lược bảo toàn vốn (tiếng Anh: Preservation Of Capital Strategy) là một chiến lược đầu tư bảo thủ có mục tiêu chính là bảo toàn vốn và ngăn ngừa thua lỗ của danh mục đầu tư.
Preservation Of Capital Strategy

Hình minh họa

Chiến lược bảo toàn vốn

Khái niệm

Chiến lược bảo toàn vốn trong tiếng Anh là Preservation Of Capital Strategy hoặc Capital Preservation Strategy.

Chiến lược bảo toàn vốn là một chiến lược đầu tư bảo thủ có mục tiêu chính là bảo toàn vốn và ngăn ngừa thua lỗ của danh mục đầu tư. Chiến lược này đòi hỏi phải đầu tư vào các công cụ đầu tư ngắn hạn an toàn nhất, ví dụ như tín phiếu Kho bạc và chứng chỉ tiền gửi.

Các nhà đầu tư nắm giữ nhiều loại công cụ đầu tư tùy theo mục tiêu đầu tư của bản thân. Mục tiêu hoặc chiến lược danh mục đầu tư của nhà đầu tư phụ thuộc vào một số yếu tố như tuổi tác, kinh nghiệm đầu tư, trách nhiệm gia đình, giáo dục, thu nhập hàng năm, v.v. Những yếu tố này thường chỉ ra mức chịu rủi ro của nhà đầu tư. 

Chiến lược bảo toàn vốn tập trung vào các chứng khoán có ít hoặc gần như không có rủi ro và do đó thu được lợi nhuận thấp hơn so với chiến lược khác, ví dụ như chiến lược tăng trưởng vốn hay chiến lược thu nhập hiện thời.

Bảo toàn vốn là ưu tiên của người về hưu hoặc sắp nghỉ hưu, vì họ có thể cần dựa vào khoản đầu tư để tạo thu nhập để trang trải chi phí sinh hoạt. Những nhà đầu tư này đã có ít thời gian để phục hồi lại sau tổn thất nếu thị trường giảm giá mạnh, do đó họ từ bỏ tiềm năng có thu nhập cao để đổi lấy sự an toàn cho khoản vốn hiện có. 

Vì những người nghỉ hưu muốn đảm bảo rằng họ có thể thu hồi được các khoản đầu tư của mình khi cần, họ thường chọn các khoản đầu tư có rủi ro tối thiểu như trái phiếuKho bạc Mỹ, tài khoản tiết kiệm trả lãi cao, tài khoản thị trường tiền tệ và chứng chỉ tiền gửi ngân hàng. 

Phần lớn các phương tiện đầu tư được sử dụng tập trung vào việc bảo toàn vốn được bảo hiểm bởi Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang lên tới 250.000 USD. Trong một số trường hợp, các nhà đầu tư này chỉ có thể đầu tư tiền trong thời gian ngắn.

Nhược điểm của chiến lược bảo toàn vốn

Một nhược điểm lớn của chiến lược bảo toàn vốn là tác động của lạm phát đối với tỷ lệ hoàn vốn từ các khoản đầu tư "an toàn" trong thời gian dài. Mặc dù lạm phát có thể không có tác động đáng kể đến lợi nhuận trong ngắn hạn, theo thời gian, nó có thể làm xói mòn đáng kể giá trị thực của một khoản đầu tư. 

Ví dụ, tỷ lệ lạm phát hàng năm ở mức thấp như 3% có thể làm giảm 50% giá trị thực của khoản đầu tư trong 24 năm. Số tiền nhà đầu tư tuy được bảo toàn, nhưng trong một số trường hợp, tiền lãi họ kiếm được từ tài khoản tiết kiệm không tăng đủ về giá trị để bù đắp cho sức mua giảm do kết quả của lạm phát. 

Kết quả là theo giá trị "thực", nhà đầu tư có thể mất giá trị của tiền và khoản đầu tư, dù lượng tiền mặt của họ không bị suy giảm.

(Theo investopedia)

Hằng Hà