Phương pháp đầu tư từ dưới lên (Bottom-Up Investing) là gì? Những đặc điểm cần lưu ý
Hình minh họa. Nguồn: Telegraph
Phương pháp đầu tư từ dưới lên
Khái niệm
Phương pháp đầu tư từ dưới lên, tiếng Anh gọi là bottom-up investing.
Phương pháp đầu tư từ dưới lên là cách thức đầu tư dựa trên những phân tích về cá nhân mỗi mã cổ phiếu và không đặt nặng những ảnh hưởng của chu kì kinh tế vĩ mô hay thị trường.
Trong phương pháp đầu tư từ dưới lên, nhà đầu tư chỉ tập trung quan tâm đến một công ty cụ thể và nền tảng cơ bản của nó thay vì toàn bộ ngành công nghiệp của công ty đó hay cả nền kinh tế nói chung. Phương pháp này cho rằng những cá thể công ty vẫn có thể hoạt động tốt dù trong một nền công nghiệp đang trì trệ.
Phương pháp đầu tư từ dưới lên bắt buộc nhà đầu tư phải quan tâm đến yếu tố kinh tế vi mô đầu tiên. Những yếu tố này bao gồm tình hình tài chính chung của công ty, phân tích báo cáo tài chính, hàng hóa và dịch vụ, cung và cầu, cùng những chỉ báo hoạt động khác.
Ví dụ, chiến lược marketing độc đáo của một công ty có thể là chỉ báo để những nhà đầu tư từ dưới lên tham gia đầu tư vào. Ngược lại, việc kế toán không đúng qui tắc trong báo cáo tài chính của một công ty sẽ là dấu hiệu cho thấy công ty đó có vấn đề dù có đang nằm trong một nền công nghiệp bùng nổ.
Đặc điểm của phương pháp đầu tư từ dưới lên
Phương pháp đầu tư từ dưới lên trái ngược với phương pháp đầu tư từ trên xuống. Phương pháp đầu tư từ trên xuống sẽ ưu tiên yếu tố vĩ mô hơn khi đưa ra quyết định đầu tư.
Phương pháp đầu tư từ dưới lên thường không dừng ở mức độ công ty. Dù việc phân tích bắt đầu từ cá thể của mỗi công ty và tại đây cũng góp phần lớn nhất trong việc đưa ra quyết định. Nhưng những yếu tố như ngành công nghiệp, khu vực kinh tế, thị trường và kinh tế vĩ mô cũng được xem xét. Việc phân tích bắt đầu từ đáy và đi lên dần.
Những nhà đầu tư từ dưới lên thường là những nhà đầu tư dài hạn, mua và nắm giữ cổ phiếu, dựa trên nền tảng phân tích cơ bản. Lí do là vì cách tiếp cận từ dưới lên giúp nhà đầu tư có được cái nhìn sâu sắc về một công ty và cổ phiếu của nó. Họ sẽ có được một sự hiểu biết về tiềm năng phát triển của nó.
Những nhà đầu tư từ dưới lên có thể rất thành công khi đầu tư vào công ty mà họ đang sử dụng và có những hiểu biết cơ bản nhất về nó. Những công ty như Facebook, Google hay Tesla là ví dụ, vì mỗi công ty này đều có sản phẩm mà ta sử dụng hàng ngày. Khi nhà đầu tư xem xét một công ty với góc nhìn từ dưới lên, trước hết anh ấy đã hiểu được giá trị của nó với góc nhìn của một người tiêu dùng.
(Theo Investopedia)