Chấp nhận giải pháp kém lí tưởng (Satisficing) là gì? Ứng dụng trong thực tiễn
Hình minh họa
Chấp nhận giải pháp kém lí tưởng
Khái niệm
Chấp nhận giải pháp kém lí tưởng trong tiếng Anh là Satisficing.
Chấp nhận giải pháp kém lí tưởng là một chiến lược ra quyết định nhằm đạt được kết quả khả quan hoặc thỏa đáng, thay vì theo đuổi giải pháp tối ưu.
Thay vì nỗ lực tối đa để đạt được kết quả lí tưởng, chiến lược này tập trung vào nỗ lực khả thi và thực tế để giải quyết nhiệm vụ. Điều này là do việc nhắm đến giải pháp tối ưu có thể dẫn đến phải tiêu tốn lượng thời gian, năng lượng và tài nguyên phí phạm, không cần thiết.
Chiến lược chấp nhận giải pháp kém lí tưởng có thể bao gồm việc áp dụng cách tiếp cận tối giản để thu được giải pháp ban đầu tạo ra kết quả chấp nhận được.
Chấp nhận giải pháp kém lí tưởng thu hẹp phạm vi của các lựa chọn được cân nhắc để tạo ra kết quả, bỏ qua những lựa chọn sẽ đòi hỏi những nỗ lực chuyên sâu, phức tạp hơn hoặc không khả thi khi cố gắng đạt được kết quả tối ưu.
Ứng dụng chấp nhận giải pháp kém lí tưởng trong thực tiễn
Lí thuyết chấp nhận giải pháp kém lí tưởng được áp dụng trong một số lĩnh vực bao gồm kinh tế, trí tuệ nhân tạo và xã hội học. Lí thuyết này ngụ ý rằng khi người tiêu dùng phải đối mặt với vô số lựa chọn cho một nhu cầu cụ thể, họ sẽ chọn một sản phẩm hoặc dịch vụ "đủ tốt", thay vì cố tìm kiếm lựa chọn tối ưu nhất.
Khi người tiêu dùng cần một công cụ xử lí và giải quyết vấn đề, theo chiến lược chấp nhận giải pháp kém lí tưởng, họ sẽ tìm đến thiết bị đơn giản nhất, dễ tiếp cận nhất, bất kể các lựa chọn hiệu quả hơn đòi hỏi phải bỏ ra thời gian và chi phí cao hơn.
Ví dụ về chiến lược chấp nhận giải pháp kém lí tưởng là một người chỉ mua gói phần mềm cơ bản thay vì mua toàn bộ phần mềm có các tính năng bổ sung và cao cấp hơn.
Các lưu ý về chiến lược chấp nhận giải pháp kém lí tưởng
Các tổ chức sử dụng chiến lược chấp nhận giải pháp kém lí tưởng có thể chỉ tìm cách đáp ứng những kì vọng tối thiểu về doanh thu và lợi nhuận do hội đồng quản trị và cổ đông đặt ra; trái ngược với nỗ lực tối đa hóa lợi nhuận thông qua các yêu cầu cao đối với hiệu suất của tổ chức đối với bộ phận bán hàng, marketing và các bộ phận khác.
Bằng cách đặt mục tiêu nhắm đến những kết quả khả thi hơn, nỗ lực đưa ra có thể công bằng với kết quả cuối cùng. Chiến lược này cũng có thể được áp dụng nếu lãnh đạo của doanh nghiệp muốn ưu tiên sử dụng các nguồn lực để đạt được các giải pháp tối ưu cho mục tiêu khác.
Ví dụ, lãnh đạo doanh nghiệp có thể quyết định giảm nhân sự tại một xưởng làm việc xuống mức hoạt động tối thiểu để phân công nhân sự vào các bộ phận và dự án khác cần nhiều lao động hơn để thu được quả tối đa.
Một hạn chế của chiến lược chấp nhận giải pháp kém lí tưởng là định nghĩa về những gì được coi là "chấp nhận được" không được xác định rõ ràng, và liệu rằng kết quả như vậy có thực sự khác với kết quả tối ưu hay không.
(Theo investopedia)