Chào hàng (Offer) là gì? Phân loại chào hàng trong thư thương mại
Chào hàng (Offer) (Nguồn: Pinterest)
Chào hàng (Offer)
Chào hàng - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi từ Offer.
Chào hàng là việc người bán thể hiện rõ ý định bán hàng của mình. Trong thư thương mại, chào hàng là một nội dung không thể thiếu.
Phân loại chào hàng theo mức độ chủ động của người xuất khẩu
Chào hàng thụ động
Chào hàng thụ động là chào hàng của người bán nếu trước đó nhận được những yêu cầu (thư hỏi hàng) của người mua. (Chào hàng thụ động còn có tên gọi là trả lời thư hỏi hàng).
Cách viết thư chào hàng thụ động như sau:
- Phần mở đầu: cảm ơn khách hàng đã gửi thư hỏi hàng đến công ty mình.
- Phần nội dung chính của thư: trả lời những câu hỏi của người mua. Gửi cho họ Catalog, hàng mẫu, biểu giá, thời hạn giao hàng, phương thức thanh toán, điều kiện giảm giá.
- Phần kết: Ngỏ ý mong đợi sự trả lời của khách hàng và hứa hẹn.
Chào hàng chủ động
Chào hàng chủ động là việc người bán chủ động chào hàng khi chưa nhận được "thư hỏi hàng" của người mua. Chào hàng chủ động gồm:
- Phần mở đầu: trình bày nguyên nhân lựa chọn đối tác của mình.
- Phần nội dung chính: tự giới thiệu về công ty của mình và các mặt hàng của mình sản xuất kinh doanh. Gửi kèm theo Catalog, hàng mẫu, giá biểu và các điều kiện mà mình mong muốn để bán hàng.
- Phần cuối thư: ngỏ ý mong nhận được hồi âm.
Căn cứ sự ràng buộc trách nhiệm của người chào hàng
Chào hàng cố định (Firm Offer)
Chào hàng cố định là việc chào bán một lô hàng nhất định, trong đó nêu rõ thời gian mà người chào hàng bị ràng buộc trách nhiệm vào lời đề nghị của mình. Thời gian này còn gọi là thời gian hiệu lực của chào hàng cố định.
Trong thời gian hiệu lực, nếu người mua chấp nhận hoàn toàn lời chào hàng đó thì hợp đồng coi như được kí kết.
Chào hàng tự do (Free Offer)
Chào hàng tự do là loại chào hàng không ràng buộc trách nhiệm người phát ra nó, cùng một lúc với một lô hàng người ta có thể chào hàng tự do cho nhiều khách hàng. Trong chào hàng tự do cần ghi rõ "chào hàng không cam kết - Offer without Engagement".
Chào hàng tự do trở thành hợp đồng khi có sự xác nhận lại của người xuất khẩu. Người mua không thể trách cứ người bán nếu sau khi chấp nhận chào hàng, người bán không kí hợp đồng với mình. (Theo Quản trị xuất nhập khẩu, NXB Lao động - Xã hội)