Nghiên cứu tại bàn (Desk Research) là gì?
Nghiên cứu tại bàn (Desk Research) (Nguồn: Pinterest)
Nghiên cứu tại bàn (Desk Research)
Nghiên cứu tại bàn - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Desk Research.
Nghiên cứu tại bàn là những hoạt động liên quan đến việc thu thập dữ liệu từ các tài nguyên sẵn có, do đó đây được coi là một kĩ thuật nghiên cứu có chi phí thấp so với nghiên cứu thực địa.
Nghiên cứu tại bàn là cách nghiên cứu thị trường phổ biến, tương đối dễ thực hiện, chi phí ít, tuy nhiên cho kết quả có độ chính xác không thật cao. (Theo Management Study Guide)
Nguồn thu thập thông tin nghiên cứu tại bàn
Chìa khóa giúp nghiên cứu tại bàn thành công là việc biết chính xác nguồn thông tin và khai thác triệt để nguồn thông tin đó. Phương pháp nghiên cứu tại bàn thường khai thác những nguồn thông tin sau.
Các nguồn nội bộ
Đầu tiên, cần tìm thông tin ngay trong cơ quan của mình, ngay trong tủ sách thương mại của cơ quan (lập tủ sách thương mại một cách khoa học trong mỗi cơ quan là việc rất quan trọng, nên làm và cần làm).
Nguồn từ các tổ chức, cơ quan
- Các thư viện.
- Các cơ quan chính phủ: Bộ Công thương, các cơ quan Thống kê...
- Các phòng thương mại.
- Các hiệp hội buôn bán.
- Các nhà xuất bản.
- Các viện nghiên cứu.
- Các ngân hàng.
- Các tổ chức của người tiêu dùng.
- Các công ty.
Nguồn thông tin lấy qua mạng Internet
Đây là nguồn thông tin cực kì quan trọng. Ngày nay, Internet được coi là một kho tàng thông tin khổng lồ, một nguồn tài nguyên vô giá nằm ngay dưới ngón tay của người dùng.
Tìm kiếm thông tin trên mạng ngày nay cũng không phải là việc quá khó khăn, các công cụ tìm kiếm theo từng ngôn ngữ riêng biệt, theo khu vực địa lí, theo ngành nghề, theo vấn đề quan tâm... đều có sẵn trên các trang web tìm kiếm thông tin.
Vấn đề chính yếu của việc tìm kiếm thông tin trên mạng là nắm thật rõ bản chất của thông tin muốn tìm kiếm để đưa ra các từ khóa thích hợp và kiên nhẫn thử các từ khóa khác nhau.
Nghiên cứu tại bàn là một công việc quan trọng, nhưng quan trọng hơn là phải xử lí, đánh giá được độ chính xác của thông tin. Nếu có thể, tất cả các nguồn tin cần kiểm tra chéo qua các nguồn độc lập khác để đảm bảo chính xác. (Theo Quản trị xuất nhập khẩu, NXB Lao động - Xã hội)