Can thiệp nhân đạo (Humanitarian intervention) là gì?
Hình minh hoạ. Nguồn: A Level Politics
Can thiệp nhân đạo (Humanitarian intervention)
Định nghĩa
Can thiệp nhân đạo trong tiếng Anh là Humanitarian intervention.
Cho đến nay, trong nghiên cứu quốc tế đã có nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề can thiệp nhân đạo, nhưng vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất cho thuật ngữ này.
Theo định nghĩa được đại đa số các quốc gia chấp nhận:
Can thiệp nhân đạo là hành động đơn phương của một quốc gia mà không có sự thông qua của cộng đồng quốc tế, hoặc là hành động của nhiều quốc gia hoặc một liên minh thực hiện theo nghị quyết của một tổ chức quốc tế đa phương như Liên Hiệp Quốc.
Can thiệp nhân đạo liên quan đến việc sử dụng vũ lực trên lãnh thổ của một quốc gia khác mà không có sự chấp thuận của chính phủ nước sở tại, với mục đích ngăn chặn và chấm dứt sự vi phạm nghiêm trọng và trên diện rộng quyền con người hay luật nhân quyền quốc tế mà quốc gia bị can thiệp thực hiện đối với công dân của chính nước đó.
Cũng có thể hiểu theo cách đơn giản như sau:
Can thiệp nhân đạo là hành động được thực hiện bởi một tổ chức hoặc các tổ chức (thường là Nhà nước hoặc liên minh các quốc gia) nhằm giảm bớt nỗi đau khổ của con người trong biên giới của một quốc gia có chủ quyền.
Bản chất của can thiệp nhân đạo
- Can thiệp nhân đạo là biện pháp mang tính chất cưỡng bức, áp đặt nhằm ép buộc nước bị can thiệp phải chấp nhận những điều kiện nhất định nào đó.
- Các nước thực hiện can thiệp nhân đạo sẽ chỉ hạn chế phạm vi hoạt động của mình vào mục đích chấm dứt và ngăn chặn các sự vi phạm nói trên, không nhằm vào mục đích mở rộng ảnh hưởng của mình tại nước chịu can thiệp.
- Tuy nhiên, trên thực tế hành động can thiệp nhân đạo còn bao gồm cả những biện pháp phi quân sự như kinh tế, chính trị, và ngoại giao.
Khi nào việc can thiệp được coi là nhân đạo?
Các tiêu chí để xem xét xem liệu một cuộc can thiệp quan sự có thể được gọi là "can thiệp nhân đạo" hay không khá đa dạng, bao gồm:
- Tình trạng, mức độ vi phạm nhân quyền của quốc gia bị can thiệp
- Qui mô của các chiến dịch quân sự thuộc hoạt động can thiệp
- Mục tiêu của các hoạt động quân sự can thiệp (hướng vào việc ngăn chặn thảm họa nhân đạo, bảo vệ nhân mạng hơn là việc xâm chiếm lãnh thổ và mở rộng ảnh hưởng của quốc gia tiến hành can thiệp)
- Lực lượng quân sự tham gia can thiệp nhân đạo thuộc nhiều quốc gia khác nhau, mang tính đa phương, hay là quân đội của một quốc gia nhất định.
- Có nhận được sự ủng hộ của Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế đa phương hay không.
- Can thiệp vũ lực có phải là biện pháp bắt buộc cuối cùng sau khi những biện pháp phi quân sự khác đã tỏ ra không có hiệu lực hay không.
(Tài liệu tham khảo: Thuật ngữ Quan hệ quốc tế, NXB Chính trị Quốc gia sự thật; Humanitarian intervention, Encyclopedia)