|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Phong tỏa (Blockade) là gì? Các hình thức phong tỏa

11:58 | 18/10/2019
Chia sẻ
Phong tỏa (tiếng Anh: Blockade) là một hành động mang tính chất thù địch nhằm tiêu hao sinh lực đối phương bằng vũ lực để đạt được những thỏa thuận, lợi ích về mặt kinh tế hay chính trị.
1078px-Scott-anaconda

Hình minh họa. Nguồn: battlefields

Phong tỏa (Blockade)

Định nghĩa

Phong tỏa trong tiếng Anh là BlockadePhong tỏa là một hành động mang tính chất thù địch nhằm tiêu hao sinh lực đối phương bằng vũ lực để đạt được những thỏa thuận, lợi ích về mặt kinh tế hay chính trị.

Đến cuối thế kỉ 19, hình thức phong tỏa trong chiến tranh đã trở thành một luật tục được chấp nhận rộng rãi trong quan hệ quốc tế.

Ý nghĩa của chiến lược phong tỏa

- Ngay từ khi các quốc gia xuất hiện và nảy sinh xung đột, bên cạnh hình thức chiến tranh, các quốc gia cũng sử dụng hình thức phong tỏa để triệt tiêu nguồn cung cấp lương thực cho thành lũy đối phương nhằm giành được các mục đích kinh tế hay chính trị mà không phải tiến hành các cuộc chiến tranh hao người tốn của.

- Việc phong tỏa này ban đầu đối với các thành lũy đơn lẻ chỉ được xem là những cuộc vây hãm bằng lực lượng quân sự nhất định. Về sau, khi quan hệ quốc tế ngày càng phát triển, hình thức vây hãm thành lũy phát triển trở thành hình thức phong tỏa trên bình diện quốc gia.

Các hình thức phong tỏa

- Phong tỏa tầm gần: là việc sử dụng lực lượng hải quân áp sát các bến cảng quan trọng của đối phương, ngăn chặn việc giao thương của thành phố hay quốc gia đó ngay từ bến cảng.

Hình thức này đặc biệt khó khăn khi phải duy trì một hạm đội liên tục ở một vị trí, xa rời các khu tiếp tế và dễ rơi vào tầm tấn công quấy phá của lực lượng bị phong tỏa.

Chẳng hạn như trong cuộc chiến tranh năm 1812 giữa Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ và Đế chế Anh, hải quân Hoa Kỳ sử dụng những chiến thuyền nhỏ liên tục quấy phá các hạm thuyền phong tỏa hải cảng của hạm đội Anh, dẫn đến sự thất bại của chiến dịch phong tỏa này. Chính vì thế nên hình thức này về sau càng ít được áp dụng mà thay bằng biện pháp phong tỏa tầm xa.

- Phong tỏa tầm xa: là hình thức sử dụng hạm đội cắt đứt các tuyến đường trên biển từ xa mà không cần áp sát các cảng biển của đối phương.

Hình thức này dần trở nên phổ biến trong thời kì cận và hiện đại khi các lực lượng hải quân ngày càng có tính cơ động cao, khả năng đánh chặn và rút lui nhanh chóng. 

Tuy nhiên, hình thức này lại có yếu điểm là dễ bị phục kích và đánh chặn, hơn nữa các tuyến đường biển khá nhiều nên việc không bám sát các tuyến này dễ để lọt các thương thuyền đi qua khiến cho chiến dịch phong tỏa mất tác dụng.

Trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất và thứ hai, hải quân Đức đã sử dụng lực lượng tàu ngầm U-boat phong tỏa các tuyến buôn bán đường biển của Anh nhưng không thực sự thành công do thường xuyên bị phục kích và lực lượng phong tỏa cũng quá mỏng để có thể chặn toàn bộ tuyến đường buôn bán trên Đại Tây Dương của Anh.

(Tài liệu tham khảo: Thuật ngữ Quan hệ quốc tế, NXB Chính trị Quốc gia sự thật)

Minh Lan