|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Chiến lược răn đe (Deterrence) là gì? Mục đích của chiến lược răn đe

11:18 | 18/10/2019
Chia sẻ
Chiến lược răn đe (tiếng Anh: Deterrence) là chiến lược dùng việc đe dọa sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản đối thủ thực hiện một hành động nhất định.
maxresdefault

Hình minh họa. Nguồn: Youtube

Chiến lược răn đe (Deterrence)

Định nghĩa

Chiến lược răn đe trong tiếng Anh là Deterrence. Chiến lược răn đe là chiến lược dùng việc đe dọa sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản đối thủ thực hiện một hành động nhất định.

Mục đích

- Đối tượng bị đe dọa, khi nhận thấy hành động dự kiến của mình nếu xảy ra sẽ phải trả giá đắt, sẽ kiềm chế và giảm động lực thực hiện hành động đó.

- Có thể nói răn đe chính là một dạng thuyết phục trong chiến lược quân sự. 

Khi thực chiến lược răn đe, quốc gia răn đe phải quyết định hành động nào của đối phương xứng đáng được đáp trả và sự đáp trả cần ở mức độ như thế nào để đối phương cảm thấy đủ sợ hãi mà không dám thực hiện hành động đó.

Yêu cầu khi thực hiện chiến lược răn đe

- Chiến lược răn đe thành công hay không phụ thuộc vào ba yếu tố cơ bản.

+ Thứ nhất, sự răn đe phải được chuyển tải thành một thông điệp rõ ràng đối với đối phương.

+ Thứ hai, hành động trừng phạt đi kèm với sự răn đe phải đủ lớn. Nói cách khác, việc răn đe phải khiến đối phương tin rằng nếu thực hiện hành động nào đó thì phí tổn mà nó gánh chịu do bị trừng phạt sẽ lớn hơn nhiều lần lợi ích mà nó thu được.

+ Thứ ba, sự răn đe đưa ra phải có mức độ khả tín cao. Điều này có nghĩa là đối tượng bị răn đe phải thực sự tin rằng hành động của mình nếu xảy ra chắc chắn sẽ bị trừng phạt như đe dọa. Mức độ khả tín của răn đe phụ thuộc vào năng lực, ý chí và uy tín của bên đưa ra răn đe.

- Khi thực hiện chiến lược răn đe, quốc gia răn đe phải tìm cách thuyết phục đối phương về năng lực cũng như ý chí thực hiện việc trừng phạt của mình. Trong khi đó phía bị răn đe lại tìm cách đánh giá khả năng đối phương hiện thực hóa lời đe dọa. 

- Một chiến lược răn đe thành công cũng phụ thuộc vào việc đối tượng bị răn đe phải hành động một cách duy lí, có khả năng đánh giá năng lực và ý chí của phía đưa ra răn đe cũng như tính toán được lợi ích và thiệt hại của mình khi tiến hành hành động bất chấp răn đe của đối phương.

Điều này cũng khiến cho răn đe khác biệt với phòng thủ với tư cách là những chiến lược quân sự. Trong khi phòng thủ tập trung vào năng lực quân sự thì răn đe liên quan nhiều đến ý định của các bên.

Mặt khác, trong khi răn đe là nhằm đe dọa trừng phạt đối phương khiến đối phương từ bỏ ý định thực hiện một hành động nhất định thì phòng thủ hướng tới việc ngăn cản đối phương đạt được các mục tiêu một khi đối phương đã bắt đầu thực hiện hành động đó.

(Tài liệu tham khảo: Thuật ngữ Quan hệ quốc tế, NXB Chính trị Quốc gia sự thật)

Minh Lan