|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Quyền lực mềm (Soft power) là gì? Nguồn của quyền lực mềm

18:31 | 18/10/2019
Chia sẻ
Quyền lực mềm (tiếng Anh: Soft power) là một loại năng lực, có thể giúp đạt được mục đích thông qua sức hấp dẫn chứ không phải ép bức hoặc dụ dỗ.
5a8f636da3106e7d2d73cf40

Quyền lực mềm 

Khái niệm

Quyền lực mềm trong tiếng Anh là soft power

Người được xem là "cha đẻ" của khái niệm "quyền lực mềm" là Joseph Nye Jr., giáo sư Đại học Havard có định nghĩa ban đầu về quyền lực mềm "là khả năng khiến người khác muốn cái mà bạn muốn, do đó họ sẽ tự nguyện làm điều đó mà không phải ép buộc hoặc mua chuộc." 

Đến năm 1999, ông đưa ra một khái niệm cụ thể hơn "Quyền lực mềm là kết quả tưởng có được thông qua sức hấp dẫn của văn hoá và ý thức hệ chứ không phải sức mạnh cưỡng chế của một quốc gia, có thể làm cho một người khác tin phục đi theo mình, hoặc tuân theo các tiêu chuẩn hành vi hay chế độ do mình định ra để hành xử theo ý tưởng của mình. Quyền lực mềm dựa vào sức thuyết phục của thông tin ở mức độ rất lớn."

Gần đây hơn Joseph Nye định nghĩa quyền lực mềm như sau: "Quyền lực mềm là một loại năng lực, có thể giúp đạt được mục đích thông qua sức hấp dẫn chứ không phải ép bức hoặc dụ dỗ. Sức hấp dẫn này đến từ quan điểm giá trị về văn hoá, chính trị và chính sách ngoại giao của một nước."

Có thể thấy quyền lực mềm chỉ là một phần của sức ảnh hưởng (ngoài quyền lực mềm, sức ảnh hưởng còn có thể được tạo ra bằng quyền lực cứng), không chỉ là sự thuyết phục, mà quyền lực mềm là khả năng lôi cuốn và hấp dẫn khiến người khác tự nguyện quy thuận và đi theo.

Nguồn của quyền lực mềm

Tính chất cốt lõi của quyền lực mềm là tính hấp dẫn. Nguồn quyền lực mềm của một quốc gia là tất cả những gì có thể tạo nên sức hấp dẫn, thu hút được sự ngưỡng mộ kính phục của cộng đồng thế giới dành cho quốc gia đó bao gồm giá trị căn bản của xã hội, văn hoá, mô hình nhà nước, các chính sách hợp pháp, đầy đủ thẩm quyền và hợp đạo đức, vị thế quốc tế thể hiện qua khả năng tham gia vào các thể chế đa phương hoặc thiết lập nên các luật lệ hành xử trong quan hệ giữa các chủ thể chính trị…

Quan điểm và giá trị 

Tính thuyết phục, một đặc điểm quan trọng của quyền lực mềm có thể được gia tăng bằng sự tương đồng, đặc biệt tương đồng về nền tảng giá trị. Trong một khía cạnh nào đó, quyền lực mềm là sự hấp dẫn đối với những giá trị cùng được chia sẻ giữa hai bên cũng như sự công bằng đúng đắn và nghĩa vụ chia sẻ để cùng đạt được những giá trị chung này. 

Quyền lực mềm của một quốc gia phát triển phần lớn từ các giá trị thể hiện trong văn hoá, chính sách đối nội và chính sách đối ngoại, cách xử các vấn đề quốc tế của quốc gia đó. Nếu một quốc gia có thể thực hiện những giá trị mà đa số các quốc gia khác đều chấp nhận, hoặc ngược lại có thể thuyết phục các quốc gia khác chấp nhận giá trị của mình thì quốc gia đó sẽ ít phải bỏ nhiều công sức để giành được vị trí lãnh đạo.

Văn hóa

Văn hoá giúp phân biệt dân tộc này với dân tộc khác, bao gồm từ những sản phẩm tinh vi hiện đại cho đến tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lối sống và lao động. Khác biệt văn hóa là một trong những nguyên nhân chính khiến các quốc gia có cách tiếp cận vấn đề và mong muốn những lợi ích khác nhau. Do đó mức độ phổ biến và được chấp nhận của văn hoá một quốc gia là một nguồn then chốt của quyền lực mềm.

Chính sách nhà nước hợp pháp, hợp đạo đức, đầy đủ thẩm quyền

Để mở rộng hoặc thu hẹp khả năng một thực thể đạt được quyền lực cần hai yếu tố. Thứ nhất, có tính hợp pháp trong con mắt người xung quanh; và thứ hai, đạt được sự tin cậy của những chủ thể quyền lực khác. Đây là những thành tố sức mạnh không định lượng được nhưng có lẽ là quan trọng nhất. 

Khả năng lập ra hoặc tham gia các thể chế và thảo ra những luật lệ quy định hành vi cho các chủ thể trong quan hệ quốc tế

Nếu một quốc gia có khả năng và trên thực tế có thể đặt ra những luật lệ quy định các hoạt động quốc tế phù hợp với xã hội và luật pháp của nước mình, quốc gia đó sẽ càng ít phải thay đổi bản thân và hành động của nó sẽ dễ mang tính hợp pháp trong mắt các nước khác. 

Đây là những nguồn chính có thể tạo nên sức hấp dẫn, tức là quyền lực mềm của một quốc gia. Ngoài ra còn có thể kể đến một số nguồn khác như bề dày lịch sử, thiết chế nhà nước hiệu quả, chỉ số phát triển kinh tế cao. Trong các nguồn quyền lực mềm, văn hoá có tác động rộng rãi và lâu dài nhất, có khi kéo dài nhiều thế hệ như ảnh hưởng của văn hoá Trung Quốc ở Việt Nam, Hàn Quốc,...

(Theo Thuật ngữ Quan hệ quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM, NXB Chính trị Quốc gia sự thật)

Liên tục tăng trưởng, FDI có trở thành 'cứu cánh' cho nền kinh tế năm nay?
Trong tháng 4, lượng vốn FDI và số dự án đầu tư mới đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Xu hướng tích cực của dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng, "cứu cánh" cho nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư công chậm lại và đầu tư tư nhân vẫn ở mức rất thấp.