|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Liên minh (Alliance) là gì? Đặc trưng và mục tiêu

21:41 | 18/10/2019
Chia sẻ
Liên minh (tiếng Anh: Alliance) là sự cam kết chính thức giữa các quốc gia nhằm phối hợp hay tương trợ lẫn nhau để đối phó với các vấn đề an ninh, chống lại các mối đe dọa chung.
joint-venture-vs-strategic-alliance-thumbnail

Hình minh họa. Nguồn: Key Differences

Liên minh (Alliance)

Định nghĩa

Liên minh trong tiếng Anh là Alliance. Liên minh là sự cam kết chính thức giữa các quốc gia nhằm phối hợp hay tương trợ lẫn nhau để đối phó với các vấn đề an ninh, chống lại các mối đe dọa chung.

Mục tiêu

Mục tiêu lớn nhất của liên minh là kết hợp nguồn lực và phối hợp hành động nhằm nâng cao vị thế của các quốc gia thành viên trong hệ thống quốc tế và nâng cao sức mạnh của các thành viên so với các quốc gia không tham gia liên minh. 

Đặc trưng

- Liên minh có thể tồn tại trong nhiều lĩnh vực. Trong quan hệ quốc tế, liên minh chính trị - quân sự giữa các quốc gia mang tính phổ biến nhất bởi khả năng tác động to lớn đến quyền lực.

- Liên minh trong quan hệ quốc tế được thừa nhận khi xuất hiện những thỏa thuận chính thức giữa hai hay nhiều phía (chủ thể chính thường là các quốc gia) để cùng nhau hợp tác với nhận thức chung, chia sẻ chung về những vấn đề an ninh. 

- Bằng cách liên minh với nhau, các bên liên quan nhận thức được rằng an ninh của quốc gia mình sẽ được gia tăng trên nhiều khía cạnh khác nhau. Cụ thể:

+ Một mặt, khi hình thành liên minh, một hệ thống phòng thủ mới sẽ được thiết lập. Với các hiệp ước phòng thủ trong đó qui định cuộc tấn công vào một thành viên sẽ được coi là cuộc tấn công vào cả liên minh, khả năng được bảo đảm an ninh của các quốc gia thành viên sẽ được nâng cao.

+ Mặt khác, bằng cách tham gia vào một liên minh, một số hoặc toàn bộ các bên tham gia sẽ bị ngăn cản không được tham gia các liên minh khác.

- Liên minh trong quan hệ quốc tế thường qui định trong các hiệp ước những điều kiện liên quan đến sự hưởng ứng và hỗ trợ về quân sự theo yêu cầu.

Ở mức độ thấp nhất, những qui định hợp tác này sẽ bao gồm các hoạt động như diễn tập quân sự chung, chia sẻ thông tin tình báo, đào tạo nhân viên, chuyển giao vũ khí… 

Ở mức độ cao hơn, những cam kết này còn bao gồm việc gửi quân tham chiến cùng nhau, phối hợp tác chiến, hỗ trợ hậu cần… khi xảy ra chiến tranh chống lại một nước thành viên.

- Ngoài các hoạt động thường thấy về quân sự, hoạt động của các đồng minh còn được thể hiện qua sự hỗ trợ cần thiết, phối hợp với nhau bằng con đường ngoại giao trong chính sách ngoại giao chung của liên minh. Với sự khéo léo của các nhà ngoại giao, các liên minh có thể là bí mật hoặc công khai, có thể bao gồm hai bên hay nhiều bên.

(Tài liệu tham khảo: Thuật ngữ Quan hệ quốc tế, NXB Chính trị Quốc gia sự thật)

Minh Lan